
Theo định hướng các giai đoạn phát triển của khu công nghệ cao TPHCM (KCNC) thì đơn vị này vừa kết thúc 3 năm khởi nghiệp (2003 – 2005) để bước vào giai đoạn định hình, chuẩn bị cho các giai đoạn đột phá về CNC.
- Cấp phép 16 dự án, xúc tiến 200 đối tác
Trong vòng 3 năm từ khi thành lập, Ban quản lý dự án KCNC TPHCM đã tiếp xúc 200 đối tác, trong đó 32% là các công ty thuộc lĩnh vực vi điện tử, công nghệ thông tin và viễn thông; 19% là các công ty thuộc lĩnh vực cơ khí chính xác và tự động hóa; 6,6% là các công ty thuộc lĩnh vực sinh học.

Lắp ráp màn hình vi tính LCD tại Công ty ALLieD, khu Công nghệ cao TPHCM. Đây là Doanh nghiệp đầu tiên tại KCNC đã đi vào hoạt động. Ảnh: Đ.V.D.
Ngoài 3 lãnh vực này, KCNC cũng đã tiếp xúc với các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ CNC, các tổ chức xúc tiến đầu tư và thương mại, các tổ chức nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo của nhiều quốc gia trên thế giới. Đến cuối năm 2005, KCNC đã cấp phép cho 16 dự án, trong đó 9 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đạt 107,5 triệu USD và 7 dự án trong nước với tổng vốn là 933,6 tỷ đồng. Trong số đó có một số tập đoàn, công ty CNC lớn như tập đoàn Nidec (Nhật Bản), công ty Sonion (Đan Mạch), công ty FPT (Việt Nam).
Bên cạnh các hoạt động xúc tiến thương mại thu hút đầu tư, Trung tâm nghiên cứu – triển khai (R&D) của KCNC cũng đã thực hiện được các công trình nghiên cứu khả quan như “Than Nano lỏng”; nghiên cứu dự án Amplification Process trong pin nhiên liệu, dự án giấy dẫn điện, dự án công nghệ CNT Print head Array; triển khai dự án phần mềm nhúng trong phần cứng chuyên dụng. Hiện nay, Trung tâm R & D đã tiến hành đăng ký 3 sở hữu trí tuệ tại Mỹ về công nghệ Nano và đang tiến hành đăng ký phát minh về pin nhiên liệu.
Mặc dù chưa phải là những thành công nổi bật nhưng các kết quả đạt được này cho thấy triển vọng thu hút đầu tư CNC và khả năng tiếp nhận CNC thế giới qua những kết quả ban đầu của trung tâm R & D là khả thi.
- Nhưng vẫn chậm
Nhìn lại hoạt động 3 năm, ở KCNC cũng có rất nhiều hoạt động chậm, không đạt yêu cầu phát triển. Cái chậm đầu tiên ở KCNC TPHCM là việc thu hồi đất. Do không sẵn sàng quỹ đất cho công tác tái định cư nên việc thu hồi đất tiến hành chậm, đến nay trong tổng số 913 ha quy hoạch cho KCNC, chính quyền địa phương mới thu hồi, bàn giao được 540 ha đất. Việc chậm thu hồi, bàn giao đất phần nào kéo theo việc chậm xây dựng cơ sở hạ tầng cho KCNC.
Nguyên nhân còn lại là do năng lực quản lý dự án của chủ đầu tư chưa đáp ứng tầm vóc của dự án lớn, quan trọng như KCNC, bên cạnh đó ở những dự án mang tính chuyên môn cao như điện, Internet thì năng lực tư vấn trong nước không đạt chất lượng. Trong 3 năm qua, KCNC đã và đang tiến hành thực hiện 44 dự án thành phần, trong đó quan trọng nhất là nhóm các dự án hạ tầng kỹ thuật thiết yếu như giao thông nội khu, liên kết cấp điện, cấp nước, xử lý nước thải và cung cấp hạ tầng viễn thông, Internet.
Tuy nhiên, các bước chuẩn bị về cơ sở hạ tầng này đều chưa được hoàn thiện, phần lớn dự án đang ở mức “dự kiến hoàn thành trong năm 2006”. Những sự chậm trễ này khiến KCNC đang đứng trước nguy cơ không thực hiện được những cam kết với nhà đầu tư về các cơ sở hạ tầng thiết yếu, gây tác hại rất lớn đến uy tín, hình ảnh KCNC trong việc thu hút các nhà đầu tư.
Cái chậm đáng lo ngại khác của KCNC ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư là thiếu nguồn nhân lực cho sản xuất CNC. Để góp phần giải quyết vấn đề này, ngày 31-5-2005, UBND TPHCM đã ra quyết định thành lập trung tâm đào tạo trực thuộc BQL KCNC TPHCM. Trước đó, Ban quản lý KCNC cũng đã tiến hành tiếp xúc, xây dựng và đàm phán với 50 tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước về chương trình hợp tác liên kết đào tạo. Tuy nhiên hiện nay, dù phần lớn các doanh nghiệp đã đăng ký đầu tư vào KCNC đều chưa hoạt động thì nỗi lo thiếu nguồn nhân lực đã hiện hiển trước mắt.
- Cải tổ để phát triển
Bước vào giai đoạn mới 2006 – 2008, giai đoạn định hình cơ bản và phát triển cơ sở hạ tầng cho giai đoạn II của KCNC, Ban quản lý KCNC đứng trước những thử thách cần phải khắc phục và yêu cầu phát triển. Ngoài các chính sách đẩy nhanh quá trình thu hồi và bàn giao đất, để đẩy mạnh sự phát triển hạ tầng và nguồn nhân lực CNC cần giải quyết 2 bài toán: huy động vốn cho đầu tư xây dựng; đẩy mạnh các chương trình nghiên cứu khoa học, ươm tạo CNC và đào tạo nguồn nhân lực CNC của thành phố, đẩy mạnh liên kết, phối hợp với các trường, viện của thành phố cho công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học CNC.
Bên cạnh đó, việc tăng cường quản lý các dự án cũng được đặt ra cho ban quản lý KCNC. Cần củng cố năng lực chủ đầu tư, cải tiến biện pháp tổ chức quản lý dự án. Tăng cường cán bộ cho KCNC làm công tác quản lý dự án, thu hút nhân tài trong và ngoài nước cho KCNC trên cả hai lĩnh vực hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ và quản lý.
Minh Tú