TPHCM sẽ bứt tốc 6 tháng cuối năm

Chiều 4-7, Sở Công thương TPHCM công bố báo cáo nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025, trong đó đề ra mục tiêu phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước.

TPHCM sẽ bứt tốc 6 tháng cuối năm

Theo báo cáo, mặc dù TPHCM đã chứng tỏ năng lực phục hồi kinh tế năng động, nhưng tốc độ tăng trưởng của TPHCM đang chậm lại so với tốc độ tăng trưởng chung của cả nước. Cụ thể, năm 2024, tăng trưởng kinh tế của TPHCM đạt 5,7%, trong khi cả nước đạt 7,1%. Quy mô kinh tế của TPHCM trong tổng thể cả nước cũng có xu hướng giảm nhẹ, từ 26,6% năm 2019 xuống còn 23,6% vào năm 2024. Điều này cho thấy Thành phố có thể đối mặt với những thách thức trong việc duy trì đà tăng trưởng cao hoặc các khu vực khác đang bắt kịp.

Để khắc phục tình trạng này, Sở Công thương TPHCM đề xuất tập trung vào nhóm nhiệm vụ chính. Đầu tiên là khai thác các động lực tăng trưởng mới. Cụ thể, vào ngày 9-7, TPHCM sẽ tổ chức tọa đàm “Động lực phát triển công nghiệp TPHCM mới – Từ tiềm năng đến hành động” tại phường Bình Dương. Tọa đàm nhằm xác định các khâu đột phá trong chuỗi giá trị công nghiệp và khai thác tiềm năng từ đổi mới sáng tạo công nghệ. Vào ngày 11-7, một tọa đàm khác với chủ đề “Không gian phát triển cho TPHCM mới – Động lực từ xây dựng chuỗi cung ứng và bán lẻ” sẽ diễn ra tại phường Vũng Tàu, với sự tham gia của các chuyên gia, hiệp hội và doanh nghiệp (Saigon Co.op, Satra, Central Retail, Aeon Mall…) nhằm phát triển chuỗi cung ứng và hạ tầng bán lẻ đồng bộ.

Siêu thị GO. TRường Chinh.jpg
Người tiêu dùng chọn mua thực phẩm các loại tại siêu thị GO! Trường Chinh, TPHCM, vào ngày 1-7

Tiếp theo, TPHCM mở rộng quy mô và phạm vi triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm chương trình bình ổn thị trường; khuyến mãi tập trung; đề án xây dựng Thành phố trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước; đề án phát triển hệ thống các trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế.

Kế đến là hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp chủ lực và công nghiệp hỗ trợ, cũng như phát triển hạ tầng và các yếu tố đầu vào – đầu ra phục vụ công nghiệp. Điều này bao gồm việc thành lập các cụm công nghiệp như Láng Le – Bàu Cò, Châu Đức, Long Tân, Thanh An 1, Tân Định 1, Tân Định 2, Phú Chánh 1, Uyên Hưng, Tam Lập 1.

TPHCM tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất cho các dự án đầu tư thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu và công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời tổ chức đào tạo, tư vấn, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp; hỗ trợ Công ty Sam Sung Việt Nam xây dựng thí điểm từ 1-3 nhà máy thông minh. Ngoài ra, TPHCM cũng xây dựng quy chế phối hợp trong lĩnh vực điện lực, lĩnh vực dầu khí giữa UBND TPHCM với Tập đoàn điện lực Việt Nam, Tập đoàn công nghiệp - năng lượng Quốc gia Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục