
Ngày 25-10, tại Hội nghị Tôm toàn cầu (GSOL-Global Shrimp Oulook) lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam (TPHCM), Chủ tịch Liên minh Tôm toàn cầu (Global Aquaculture Alliance - GAA) George W. Chamberlain nhấn mạnh, đây là hội nghị lớn nhất của GSOL từ trước đến nay về số người tham gia. Điều đó chứng tỏ sự quan tâm của thế giới về việc phát triển nhanh, mạnh ngành tôm Việt Nam.

Ảnh: Việt Dũng
Trên 250 thương gia và chuyên gia từ 25 quốc gia, là lãnh đạo các công ty và tập đoàn siêu thị, nhà hàng lớn nhất thế giới về thủy sản, như: Mc Donald’s, Yumm Brands, Darden Restaurants, Wal-Mart, Coastco, Sysco, Carefour (nhiều nhất là Mỹ - 89 đại biểu, Việt Nam - 46 đại biểu) tham dự.
Tại GOSL 2005, các chuyên gia hàng đầu thế giới trình bày hiện trạng và dự báo tình hình sản xuất và xuất khẩu tôm 3 năm tới (2006-2008), dự báo diễn biến thị trường tiêu thụ (chủ yếu tại Mỹ, Nhật Bản và các nước EU), phân tích xu thế và diễn biến chiến lược ngành tôm toàn cầu và đề xuất giải pháp cho những vấn đề nóng bỏng hiện nay. Một ngoại lệ tại diễn đàn GSOL2005 là Ban tổ chức dành cho Việt Nam cơ hội trình bày báo cáo tổng quan về sản xuất và tiêu thụ cá tra, ba sa, ngoài báo cáo tổng quan về sản xuất và tiêu thụ tôm VN.
Theo đánh giá của GAA, Việt Nam là nước thuộc nhóm có tốc độ phát triển thủy sản nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á và thế giới. Tuy nhiên, theo Chủ tịch GAA Chamberlain, điểm mạnh, cũng là điểm yếu của ngành tôm Việt Nam là có nhiều trại tôm nhỏ, giá thành sản xuất thấp, tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường nhưng khó kiểm soát chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì vậy, các nhà sản xuất nhỏ phải kết hợp lại thành quy mô lớn để đảm bảo 3 yêu cầu đặt ra như trên.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, cần tỉnh táo để xem xét ngành tôm VN đang đứng ở đâu. Ngành tôm Việt Nam đang gặp 3 thách thức lớn: Sự ô nhiễm môi trường do phát triển quá nhanh; khoảng cách về công nghệ nuôi và giá tôm.
Theo dự báo của các chuyên gia thế giới, tôm nhỏ sẽ còn khoảng 30.000 – 40.000 đồng/kg, tôm lớn (30-40 con/kg trở xuống) khoảng 50.000 – 60.000 đồng/kg. Điều này đòi hỏi nhà nuôi tôm phải tìm cách giảm giá thành hơn nữa. Chỉ những người nắm vững công nghệ nuôi mới, có năng lực quản lý và trường vốn mới tồn tại. Đó chính là thách thức, cũng là cơ hội để ngành tôm Việt Nam phát triển.
CÔNG PHIÊN
Trả lời báo chí về vụ kiện tôm vừa qua, Chủ tịch GAA Chamberlain cho rằng, Việt Nam đã học hỏi nhanh những bài học từ vụ kiện cá tra, ba sa. Quan điểm của GAA là ủng hộ nền thương mại bình đẳng, tự do thị trường. Không ủng hộ việc dựng ra hàng rào bảo hộ cho nhà sản xuất không có năng lực cạnh tranh. Vụ kiện tôm không phải là sự mâu thuẫn và đối đầu giữa Mỹ và Việt Nam mà là cuộc đối đầu giữa nhà khai thác tôm trên biển và nhà nuôi tôm toàn cầu. Vụ kiện làm cho nhà nuôi tôm toàn cầu đoàn kết lại, mở ra con đường hợp tác trong tương lai. |