30 năm thế giới chống HIV/AIDS

Cách đây 30 năm, ca nhiễm HIV/AIDS đầu tiên trên thế giới được phát hiện. Kể từ đó tới nay, mặc dù chưa có thuốc phòng ngừa và điều trị hữu hiệu, song cuộc chiến chống căn bệnh thế kỷ này đã có bước tiến dài và giờ đây, chuyện nhiễm HIV/AIDS không còn bị xem là án tử nữa.
30 năm thế giới chống HIV/AIDS

Cách đây 30 năm, ca nhiễm HIV/AIDS đầu tiên trên thế giới được phát hiện. Kể từ đó tới nay, mặc dù chưa có thuốc phòng ngừa và điều trị hữu hiệu, song cuộc chiến chống căn bệnh thế kỷ này đã có bước tiến dài và giờ đây, chuyện nhiễm HIV/AIDS không còn bị xem là án tử nữa.

  • Phối hợp phòng ngừa, điều trị và hỗ trợ

Chủ đề của Ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS 1-12 năm nay là “Hướng tới mục tiêu không” (Getting to Zero), trong đó có 3 mục tiêu: Không còn người nhiễm mới HIV; không còn người tử vong do AIDS và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS. Toàn thế giới ước tính có 33 triệu người đang sống với HIV/AIDS, gần 2/3 trong số này ở vùng hạ Sahara, châu Phi.

Đến cuối năm 2010, thế giới có khoảng 2,7 triệu ca nhiễm mới HIV và 1,8 triệu người chết liên quan đến HIV/AIDS. Tỷ lệ nhiễm mới HIV và chết do AIDS ở nhiều nước đang có xu hướng giảm.

Những nhà hoạt động phòng chống HIV/AIDS ở Đài Bắc (lãnh thổ Đài Loan) xếp biểu tượng phòng chống HIV/AIDS.

Những nhà hoạt động phòng chống HIV/AIDS ở Đài Bắc (lãnh thổ Đài Loan) xếp biểu tượng phòng chống HIV/AIDS.

Theo báo cáo năm 2011 của chương trình chống HIV/AIDS của LHQ (UNAIDS), thế giới đã có những tiến bộ quan trọng về khoa học và nhiều lĩnh vực khác trong việc kiềm chế đại dịch HIV/AIDS. Cả số người nhiễm HIV lẫn số người chết liên quan tới AIDS đều giảm rõ rệt so với thời kỳ đỉnh điểm. Theo UNAIDS, các ca nhiễm mới HIV trên toàn thế giới giảm 21% so với năm 1997, số người chết liên quan đến AIDS giảm 21% so với năm 2005.

Giải thích cho sự thành công này, ông Peter Ghys, người đứng đầu bộ phận dịch tễ học của UNAIDS, cho rằng, một nửa số người nhiễm HIV/AIDS cần điều trị đang được điều trị, tương đương với 6,6 triệu người. Nhiều loại thuốc có chức năng giảm thiểu lây truyền virus HIV từ mẹ sang con.

Hội nghị quốc tế về HIV/AIDS lần thứ 16 sẽ khai mạc ngày 4-12 tại Addis Ababa, thủ đô Ethiopia. Bộ trưởng Y tế Ethiopia Tewodros Adhanom kêu gọi sự kiện kéo dài một tuần này là cơ hội để chia sẻ thông tin trong những tiến bộ về phòng ngừa và điều trị HIV/AIDS. Hiện có nhiều kiến thức khoa học và những áp dụng tốt nhất trong việc phòng ngừa virus HIV cũng như điều trị và hỗ trợ nhiều mặt cho bệnh nhân HIV/AIDS.

Theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế Mỹ, 3/4 bệnh nhân HIV/AIDS của Mỹ, tương đương 850.000 người, không được điều trị đúng mức. Những loại thuốc hiện nay nếu cung cấp đầy đủ cho bệnh nhân có thể giúp họ sống thêm 15 năm. Đặc biệt, phụ nữ và người gốc Phi là những người thiệt thòi nhất. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, phần lớn là do người bệnh thiếu kiên trì chữa trị hoặc ngần ngại không xét nghiệm, không công khai căn bệnh của mình khi chưa có triệu chứng.

  • Cắt giảm kinh phí - đáng lo

Khu vực Nam châu Phi, nơi bị nạn dịch HIV/AIDS hoành hành nặng nề nhất thế giới, sẽ là nơi bị ảnh hưởng lớn nhất từ quyết định cắt giảm tài trợ phòng chống HIV/AIDS trong vòng 3 năm tới. Quỹ Toàn cầu chống HIV/AIDS, lao và sốt rét cho biết nguồn quỹ của họ đang cạn dần, không đủ 13 tỷ USD tối thiểu để tài trợ cho các chương trình nên buộc phải cắt giảm.

Đây là nguồn quỹ lớn nhất tài trợ chống HIV/AIDS, cung cấp hơn 70% các loại thuốc chống HIV/AIDS tại các nước đang phát triển. Nếu nguồn tiền bị cắt, các nước Swaziland, Malawi, Zimbabwe và Mozambique sẽ gia tăng các ca nhiễm HIV và tử vong do AIDS. Nếu cắt giảm kinh phí như trên, mục tiêu 3 “không” xem ra khó có thể trở thành sự thật. 

KHẢ MINH

Tin cùng chuyên mục