ACFTA 3.0: Điểm nhấn trong quan hệ kinh tế ASEAN - Trung Quốc

Ngày 10-7, phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc, được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 58 (AMM-58), Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Datuk Seri Mohamad Hasan cho biết, quan hệ ASEAN và Trung Quốc sẽ đạt đến tầm cao mới với việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) phiên bản 3.0, dự kiến vào cuối năm 2025.

Duy trì hòa bình

Bộ trưởng Datuk Seri Mohamad Hasan cho rằng, thỏa thuận nâng cấp diễn ra vào thời điểm quan trọng khi ASEAN tìm cách củng cố hợp tác kinh tế và khả năng phục hồi trong bối cảnh môi trường thương mại toàn cầu ngày càng bất ổn. Theo ông, ASEAN và Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của nhau trong 4 năm liên tiếp, với tổng kim ngạch thương mại đạt 770,94 tỷ USD vào năm 2024, tăng 10,61% so với năm 2023. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra mối đe dọa đối với một hệ thống thương mại cởi mở, công bằng và dựa trên luật lệ.

ACFTA, được ký thông qua năm 2010, là một trong những hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới, bao gồm thị trường với hơn 2 tỷ người. Mục tiêu của hiệp định này là xóa bỏ thuế quan và rào cản thương mại giữa các quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc, thúc đẩy hội nhập kinh tế sâu rộng hơn, thúc đẩy dòng đầu tư và tăng cường kết nối chuỗi cung ứng trên toàn khu vực.

K8c.jpeg
Lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 58. Ảnh: TTXVN

Ông Datuk Seri Mohamad Hasan khẳng định, mối quan hệ Đối thoại ASEAN - Trung Quốc là một trong những quan hệ đối tác thực chất và năng động nhất của ASEAN. Dựa trên những nguyện vọng và chuẩn mực chung, ASEAN và Trung Quốc đã và đang tiếp tục đảm bảo khu vực Đông Nam Á duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

3 định hướng trọng tâm

Trong phiên họp toàn thể AMM-58, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nêu bật những giá trị cốt lõi làm nên thành công của ASEAN, trong đó có đoàn kết và tôn trọng lẫn nhau. Trong giai đoạn hiện nay, sự đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN, cùng những cam kết mạnh mẽ về phát triển bao trùm và bền vững tiếp tục là kim chỉ nam dẫn dắt Cộng đồng ASEAN.

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng đề xuất 3 định hướng trọng tâm cho ASEAN trong thời gian tới: Một là, hướng tới mục tiêu trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào năm 2030. ASEAN cần tiếp tục ưu tiên hàng đầu cho duy trì tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Hai là, hướng tới một cộng đồng số hóa hàng đầu, ASEAN cần đẩy nhanh đàm phán Hiệp định khung về kinh tế số, bảo đảm đáp ứng nhu cầu thực tiễn, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Ba là, để xây dựng cộng đồng thực sự hướng tới người dân, ASEAN cần tăng cường kết nối với người dân. Vai trò của ASEAN không chỉ thể hiện qua các tuyên bố cấp cao, mà quan trọng hơn là cần được lan tỏa thông qua các hành động cụ thể và thiết thực.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định Việt Nam ủng hộ và phối hợp với các nước chuẩn bị cho tiến trình Timor Leste gia nhập ASEAN. Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ Timor Leste hoàn tất các tiêu chí, trong đó có việc tham gia các văn kiện pháp lý. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị ASEAN sớm có kế hoạch hỗ trợ Timor Leste hội nhập hiệu quả và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thành viên.

Tin cùng chuyên mục