Đây là lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, tài sản vô hình (dữ liệu, phần mềm, trí tuệ nhân tạo - AI) chiếm tỷ trọng cao hơn so với các khoản đầu tư vật chất truyền thống (máy móc, cơ sở sản xuất, công trình xây dựng…).
Theo báo cáo, đầu tư vào tài sản vô hình của 27 nền kinh tế có thu nhập cao và trung bình tăng khoảng 3% theo giá trị thực, từ mức 7.400 tỷ USD của năm 2023 lên 7.600 tỷ USD vào năm 2024. Trong đó, Mỹ dẫn đầu về mua sắm tài sản vô hình, với khoản đầu tư gần gấp đôi so với các quốc gia đứng sau là Pháp, Đức, Nhật Bản và Anh.
Trong khi đó, tính theo tỷ lệ vốn đầu tư vào các tài sản vô hình so với quy mô nền kinh tế, Thụy Điển đứng đầu danh sách với các khoản đầu tư này, chiếm 16% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Theo sau là Mỹ, Pháp và Phần Lan, đều có tỷ lệ 15% GDP.
Mức đầu tư của Ấn Độ vào tài sản vô hình đạt 10% GDP, đưa nước này vượt lên trên một số nền kinh tế như Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU). Báo cáo nhấn mạnh các khoản đầu tư được thúc đẩy nhờ sự bùng nổ của AI hiện nay. Công nghệ AI đang tạo đà cho đầu tư vào cơ sở hạ tầng hữu hình, trong đó có chip, máy chủ và trung tâm dữ liệu hay các bộ dữ liệu cần thiết để đào tạo hệ thống AI.

Tờ The Economist nhận định, làn sóng AI mới hứa hẹn gia tốc mạnh hơn nữa vào đầu tư vào thiết bị xử lý thông tin và phần mềm. Theo Financial Times, bốn “đại gia” công nghệ Mỹ (Amazon, Microsoft, Alphabet và Meta) dự kiến chi trên 300 tỷ USD cho hạ tầng AI riêng trong năm 2025, tăng 63 % chỉ sau một năm.
Không chỉ các ông lớn, Financial Times dẫn khảo sát của Công ty Tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey chỉ ra nhóm doanh nghiệp có “ngân sách vô hình” cao nhất đang ghi nhận tăng trưởng doanh thu nhanh hơn 35% và biên lợi nhuận cao hơn 10% so với đối thủ cùng ngành.
Giám đốc WIPO, ông Daren Tang nhận định đang có sự thay đổi cơ bản trong cách thức các nền kinh tế tăng trưởng và cạnh tranh. Trong bối cảnh lãi suất cao cản bước các dự án vật chất quy mô lớn, các doanh nghiệp giảm đầu tư vào nhà máy và thiết bị trong khi tăng đầu tư vào tài sản vô hình.
Không chỉ dừng lại ở sự thay đổi dòng vốn, làn sóng tài sản vô hình còn kéo theo loạt điều chỉnh thể chế. Theo Wall Street Journal, Ủy ban Chuẩn mực kế toán tài chính Mỹ (FASB) đã lên kế hoạch sửa đổi các quy định để phản ánh chính xác hơn chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D), dữ liệu và phần mềm trên báo cáo tài chính - một động thái được đánh giá sẽ tạo đà cho dòng vốn đầu tư mới vào hạng mục này.
Nhiều nước nhanh nhạy thiết kế gói ưu đãi thuế và khuôn khổ pháp lý mới. Singapore vừa ban hành khung công bố tài sản vô hình nhằm chuẩn hóa cách doanh nghiệp định danh, định giá và báo cáo các tài sản như thương hiệu, bằng sáng chế, thiết kế đăng ký…
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, cuộc chạy đua vũ trang cho tài sản vô hình sẽ không dừng lại ở con số đầu tư khổng lồ, mà còn ở cách thế giới xây dựng niềm tin cho một nền kinh tế nơi giá trị nằm trong những thứ… không thể chạm tay.