Hiện nay, cả nước có hơn 60 nhà xuất bản (NXB) từ trung ương đến địa phương, xét về phương diện kinh doanh được chia thành 4 nhóm. Nhóm các NXB mạnh, có lợi nhuận hàng năm trên 10 tỷ đồng; nhóm các NXB khá, có mức lợi nhuận khoảng trên 1 tỷ đồng; nhóm các NXB trung bình vừa đủ cân đối thu chi và cuối cùng là nhóm các NXB liên tục thua lỗ.
Nhóm các NXB mạnh trong suốt hơn chục năm trở lại đây chỉ gồm 4 cái tên, NXB Chính trị Quốc gia, Giáo dục, Kim Đồng, Trẻ. Thế nhưng, trừ hai NXB Chính trị Quốc gia và Giáo dục vốn mang tính đặc thù, ít ai biết rằng hai đơn vị xuất bản còn lại đã từng có những lúc cực kỳ khó khăn. Giám đốc NXB Kim Đồng từng phải đích thân mang sách của đơn vị trưng bày bên bờ hồ Hoàn Kiếm để bán, NXB Trẻ phải huy động tất cả nhân viên, lãnh đạo bày sách bán trước cửa NXB, người chở sách đi rao bán ở các trường…
Trong cuộc tọa đàm kỷ niệm 35 năm NXB Trẻ vừa qua, khi nhắc đến thời kỳ đó, tất cả những ai từng trải qua đều ngậm ngùi. Thế nhưng, nhắc đến thời kỳ khó khăn cũng để thấy điều gì đã mang lại những NXB Kim Đồng, NXB Trẻ hôm nay. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh kể rằng, ngày đó việc giám đốc NXB Trẻ quyết định trả nhuận bút theo phần trăm thay vì trả nhuận bút theo mức 1, 2, 3… là một sự thay đổi ngoạn mục, khuyến khích mạnh mẽ người sáng tác. Rồi cũng từ NXB Trẻ, khái niệm “liên kết xuất bản” được phổ biến, phát triển, tạo ra bước ngoặt thay đổi cả thị trường sách sau này.
Ngay cả liên kết xuất bản vốn là một thành công của đơn vị, là cứu cánh cho rất nhiều NXB khi đó nhưng nhận thấy những hệ lụy của mô hình này, NXB Trẻ cũng là người tiên phong chuyển từ việc lệ thuộc liên kết qua chủ động làm sách. Đất nước mở cửa, giao lưu quốc tế, khi đồng nghiệp nhiều người còn ngỡ ngàng, bối rối, NXB Trẻ đã chủ động tìm kiếm, giao dịch tác quyền với các tác giả lớn. Đặc thù xuất bản trong nước khi đó khác với thế giới, những người thương lượng bản quyền đã phải tìm mọi cách để vừa có sách hay, mới lại vừa phù hợp tình hình thực tế trong nước. Câu chuyện cuốn sách Harry Potter khi đó xuất bản được chia thành nhiều tập mỏng giờ nhắc lại có vẻ ấu trĩ, buồn cười nhưng chính nhờ thế, ngày đó sách mới có thể đến với bạn đọc. Khi những cuốn sách nhập khẩu vào Việt Nam gây sốc với bạn đọc khi sách dày cả gần ngàn trang nhưng nhẹ bẫng như cuốn sách 200-300 trang trong nước nhờ dùng loại giấy xốp, nhẹ. NXB Trẻ cũng là đơn vị đầu tiên cả nước tìm tòi loại giấy mới để làm sách và đến nay, việc dùng giấy xốp nhẹ đã trở thành tiêu chuẩn của sách trong nước. Những cuốn sách Việt ít nhất về kỹ thuật đã không thua kém với sách của thế giới. Rồi sách điện tử (ebook), NXB Trẻ cũng là một trong những đơn vị đầu tiên phát triển loại hình đọc này ở Việt Nam với Công ty Ybook. Do nhiều nguyên nhân, ebook tại Việt Nam chưa đạt mức phát triển mong muốn nhưng cách làm của Ybook hiện vẫn được xem là một hình mẫu cho việc xuất bản ebook trong nước. Hiện nay, NXB Trẻ vẫn là đơn vị được ghi nhận là đi đầu cả nước trong việc tìm tòi cái mới, từ khâu kỹ thuật như làm tem sách thông minh để kết nối trực tiếp NXB đến bạn đọc đến việc chủ động tìm kiếm bản thảo song song với các cuộc thi thay vì đợi kết quả cuối cùng như trước đây. Dĩ nhiên, có nhiều cái mới không thành công, gặp thất bại nhưng trên tất cả, NXB đang bám sát với sự phát triển chung của cả xã hội.
Không chỉ trong làm sách, NXB Trẻ còn được đánh giá cao trong việc đối diện những khó khăn. In sai hình minh họa danh nhân, lỗi chính tả nghiêm trọng, nội dung sách bị phê phán vì sai lầm, phản cảm… chưa có một sự cố nào đơn vị né tránh, chối tội thậm chí có trường hợp chủ động nhận lỗi, sửa sai dù thực tế việc xem xét lỗi ở ai vẫn chưa rõ ràng. Trẻ cũng là đơn vị đầu tiên áp dụng hình thức đổi sách sai lấy sách đúng, bạn đọc lỡ mua cuốn sách có sai sót có thể đổi lại sách đã chỉnh sửa hoặc bất cứ cuốn sách nào khác tương đương của NXB. Chính nhờ cách làm cầu thị này, dù có những vấp váp, sai lầm, khi nhận xét về NXB Trẻ, các bạn đọc, nhà văn đều chung nhận xét: Làm sách đàng hoàng.
TƯỜNG VY