40 năm và một mệnh lệnh

Trong ký ức của bà Lê Thị Lý, nguyên Giám đốc Nhà máy Dệt Phước Long, nguyên Giám đốc Công ty Dệt Việt Thắng, vào một ngày giữa tháng 6-1983, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Linh đến thăm nhà máy. Trước tình hình “máy móc hư hỏng 70%-80%, không có phụ tùng thay thế, nguyên liệu cạn kiệt, công nhân không có việc làm”; trong khi nhà máy lại thuộc diện Trung ương quản lý, “Nếu làm theo chỉ đạo của thành phố tức là xé rào, sợ bị bộ chủ quản khiển trách”, đồng chí Nguyễn Văn Linh quả quyết: “Mình phải tự cứu mình trước khi trời cứu!”.
Lực lượng thanh niên tình nguyện (Thành đoàn TPHCM) cùng nhà hảo tâm tổ chức tách chiết oxy hỗ trợ bệnh nhân Covid-19 đợt 4 vừa qua. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Lực lượng thanh niên tình nguyện (Thành đoàn TPHCM) cùng nhà hảo tâm tổ chức tách chiết oxy hỗ trợ bệnh nhân Covid-19 đợt 4 vừa qua. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Một cuộc họp được tổ chức với thành phần là Khoa Chế tạo máy của Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật, Viện Chế tạo máy của Bộ Cơ khí luyện kim, Nhà máy Z751 của quân đội. Dứt cuộc họp, các nhà chuyên môn xuống ngay nhà máy tìm cách chế tạo các phụ tùng thay thế. Nhờ vậy, trong 2 năm 1981-1982, chúng ta phục hồi được 700 máy dệt thoi, 12 máy dệt kim bằng.

Từ nguồn nguyên liệu ban đầu được Trung ương chi viện, nhà máy sản xuất thành phẩm vải mùng, vải soie cho phụ nữ, denim để may quần tây cho nam giới. Hàng hóa sau đó trao đổi hai chiều với nông dân lấy tôm, đậu phộng, hạt điều… chế biến thành các mặt hàng xuất khẩu, thu được ngoại tệ để nhập nguyên liệu sợi tổng hợp. Cùng lúc đó, Nhà máy Dệt Phước Long phối hợp với Trường Đại học Nông lâm Thủ Đức và Trường Trung cấp kỹ thuật thuộc Bộ Công nghiệp nhẹ lên Bảo Lộc (Lâm Đồng), tìm cách phục hồi việc nuôi tằm kéo tơ, tự tạo thêm nguồn nguyên liệu nội địa.

Khó khăn khác là công nhân tay nghề cao, thợ dệt lâu năm đều đã nghỉ, lưu lạc sinh nhai. Thế là cùng nhau đi tìm, tìm được thì lãnh đạo nhà máy trực tiếp đi đón, kèm theo gạo và nhu yếu phẩm cho người nhà của họ dùng trong 6 tháng, trong thời gian chờ công việc mới đảm bảo kinh tế cho gia đình.

Những kinh nghiệm ấy lần lượt được báo cáo trước các đồng chí trong Bộ Chính trị đang ở Đà Lạt. Về sau, đây được gọi là “Sự kiện Đà Lạt”, bởi cùng với đó là những cách làm mới mẻ của Long An, Vĩnh Phúc… đã trở thành một “tài liệu thực tiễn” sống động để Thường trực Ban Bí thư Nguyễn Văn Linh tham mưu cho Đảng chuẩn bị Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986, khởi xướng công cuộc đổi mới của đất nước.

Gần 40 năm sau, dù ở một tình thế khác, nhưng để gượng dậy từ trong những mất mát, phục hồi từ những hậu quả của đại dịch Covid-19; thì một lần nữa, bản tính tháo vát, năng động, óc nhạy bén, sáng tạo và một tinh thần “làm cho mình, vì người” của nhân dân TPHCM đã và đang đánh thức những nguồn lực mạnh mẽ.

Thích ứng để sinh tồn, sinh tồn bằng “hoạt tính” cải tạo, biến đổi ngày một thuận lợi, hữu dụng hơn là đặc tính của những lưu dân “mang gươm đi mở cõi”. Nó trở thành mạch ngầm của đất và người Sài Gòn - Gia Định - TPHCM.

Nhìn lại gần 6 tháng quay cuồng chống dịch, trong những điều kiện khốc liệt và khắc nghiệt nhất chưa từng có, từng con người đến nhóm cộng đồng, tổ chức chính quyền; từ cá thể đến tập thể các ngành nghề đều “xung trận” không ngừng nghỉ. Hình ảnh giữa lúc khan hiếm bình oxy, lãnh đạo quận 7 đã quyết định dẫn nguồn oxy công nghiệp từ các nhà máy đóng trên địa bàn quận đang đóng cửa, rồi tìm cách tách chiết để miễn sao tiếp tế “hơi thở” cho bệnh nhân. Hay những anh chị tuyến đầu ở quận 6, huyện Củ Chi kiêm “bác sĩ bất đắc dĩ”, sau khi tham khảo nhanh ý kiến chuyên môn đã quyết định kê toa cho bệnh nhân, chặn đứng nguy cơ bệnh chuyển nặng.

Đằng sau những áp lực buộc phải duy trì hoạt động sản xuất, phân phối, ngoài vấn đề an toàn cho công nhân, người lao động là điều kiện tiên quyết thì các doanh nghiệp cũng muốn xem đây là “lời giải” cho gánh nặng áo cơm mà họ muốn san sẻ trách nhiệm cùng chính quyền trong công tác an sinh. Không những thế, đứng trước quyết sách bằng mọi giá thành phố nói riêng, cả nước nói chung phải được trang bị “vũ khí” vaccine đầy đủ, toàn xã hội, trong đó đặc biệt là các doanh nghiệp, đã chung tay đóng góp tiền, trợ lực các nguồn tiếp cận thị trường để Nhà nước có được càng sớm, càng nhiều vaccine cho toàn dân.

Sau ATM gạo, là hàng loạt “công nghệ” tương thân tương ái, chuyền tay nhau mọi sự trợ giúp, từ khẩu trang, oxy, thuốc cho đến nhu yếu phẩm, vận chuyển cứu cấp. Cũng như sau cơn đỉnh dịch, sự kết nối, hỗ trợ, đồng tâm để cùng tìm ra các phương thức khởi nghiệp, tái lập nghiệp giữa người cần việc - việc cần người.

Từ mệnh lệnh “mình phải tự cứu mình” góp phần tạo nên công cuộc đổi mới đất nước từ gần 40 năm trước thì nay, trong nhịp điệu phục hồi - tái thiết sau đại dịch, một lần nữa, phẩm chất, tính cách ấy sẽ kích hoạt mọi “kháng thể” từ trong các nguồn lực xã hội. Đặt trong điều kiện là sự trỗi dậy của công nghệ số, nhất là công nghệ dữ liệu lớn, sẽ càng là cơ hội lẫn thách thức cho quá trình phục hồi sau đại dịch.

Những điểm yếu, điểm thiếu mà chúng ta đã nhận diện, thậm chí trả giá trong đại dịch, sẽ là “dữ liệu thực” buộc toàn hệ thống phải nỗ lực thống kê, tập hợp, khắc phục, phát triển một cách sát thực nhất, kết nối đồng bộ để tạo hiệu ứng phục vụ người dân hiệu quả nhất. Với đặc thù của một nền kinh tế không tiếp xúc trong và sau đại dịch, vốn đã được thử thách qua 6 tháng, sẽ cần được tính toán, tổ chức một cách khoa học, đồng bộ, minh bạch để tạo đà cho các “thói quen mới” vận hành: từ cách ra chính sách, đánh giá hiệu quả thực thi của hệ thống hành chính công đến các phương tiện kết nối, lưu thông và tiêu dùng…

Gần 40 năm sau, “Mình phải tự cứu mình” bằng chính nội lực của thành phố nói riêng, của đất nước nói chung. Điều đó cũng phù hợp với mệnh lệnh trái tim từ Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên: “Trong ứng phó với đại dịch, ta đã bỏ sức 200% thì giai đoạn bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh thì càng phải bỏ sức 200% mới vượt qua được thời khắc khó khăn”.

Tin cùng chuyên mục