Sa tạng chậu là tình trạng sa xuống của một hay nhiều cơ quan vùng chậu khỏi vị trí giải phẫu bình thường qua ngã âm đạo như sa bàng quang, tử cung, âm đạo, trực tràng, ruột và các mô liên kết (do sự tổn thương và suy yếu các cấu trúc cân cơ và dây chằng nâng đỡ sàn chậu).
Bệnh lý sa tạng chậu gây các rối loạn tiểu, rối loạn tiêu hóa, các rối loạn tình dục, làm ảnh hưởng đến chất lượng sống của phụ nữ. Các chuyên gia ghi nhận nhiều trường hợp phụ nữ mắc bệnh chịu đựng tình trạng bệnh tật kéo dài do ngại ngần, mặc cảm, tự ti, dẫn tới việc đánh mất cơ hội được điều trị hiệu quả.
Bệnh thường xuất hiện ở phụ nữ sau mãn kinh, mang thai và sinh con nhiều lần, béo phì, làm việc nặng, táo bón mạn tính, bệnh lý hô hấp mạn tính và từng phẫu thuật vùng chậu.
Theo thống kê của Hội Sàn chậu TPHCM, bệnh lý ảnh hưởng đến 40% phụ nữ ở độ tuổi trên 50. Đáng lo ngại là trong số này, cứ 5 người thì có một người bị sa từ 2 cơ quan trở lên. Thảo luận tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, sự ra đời của các vật liệu thay thế và cách thức đưa mảnh ghép vào bên trong vùng sàn chậu giúp nâng đỡ cấu trúc cơ cân và dây chằng vùng chậu bị suy yếu đã mở ra bước tiến mới trong điều trị các bệnh lý sa tạng chậu. Từ đó giúp loại bỏ quan điểm trước đây là cần cắt tử cung để điều trị nhóm bệnh lý này - vốn được chứng minh làm tăng nặng tình trạng bệnh và khiến việc điều trị khó khăn hơn.
Cho đến nay, phẫu thuật đặt mảnh ghép không ngừng được cải tiến nhằm tối ưu hóa điều trị, hướng tới mục tiêu: Giảm hoặc khỏi triệu chứng; tái lập cấu trúc nâng đỡ và cấu trúc vùng chậu; phòng ngừa xuất hiện các thành phần suy yếu mới; sửa chữa các thương tổn phối hợp; hiệu quả kéo dài; rút ngắn thời gian phẫu thuật, hạn chế mất máu, giảm đau, giảm biến chứng tại chỗ, bảo tồn tối đa cấu trúc giải phẫu tự nhiên của vùng chậu.