45% kho lạnh thủy sản vẫn dùng CFC

Đầu tuần này, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc hội thảo toàn quốc lần thứ nhất của ngành lạnh và điều hòa không khí Việt Nam (VN). Một nội dung được bàn luận sôi nổi nhất là sử dụng các chất thay thế môi chất làm lạnh CFC (một chất gây ra hiện tượng hiệu ứng nhà kính - vốn được coi là một kẻ thù nguy hiểm của tầng ozone).

Theo Giáo sư Tạ Quang Ngọc, Chủ tịch Hội Lạnh và Điều hòa không khí VN, trong điều kiện của một nước khí hậu nóng ẩm, ngành lạnh và điều hòa không khí VN có nhu cầu và tiềm năng đặc biệt lớn. Chỉ tính riêng ngành công nghiệp sản xuất bia đã có khoảng 800 tổ máy phải sử dụng thiết bị lạnh; ngành chế biến thủy sản cũng đang sử dụng khoảng 800 kho lạnh, kho mát (chưa kể hệ thống kho lạnh thương mại).

Thế nhưng, điều đáng lo ngại là một tỷ lệ rất đáng kể vẫn còn sử dụng CFC (số kho lạnh cho chế biến thủy sản còn dùng CFC chiếm đến gần 45%), mặc dù kể từ tháng 1-2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 12 với nội dung cấm nhập khẩu các thiết bị làm lạnh sử dụng môi chất lạnh CFC. Vụ Khoa học và Công nghệ Bộ Thủy sản giải thích, hệ thống thiết bị làm lạnh sử dụng CFC có chi phí ban đầu rẻ hơn (so với chất thay thế được khuyếân nghị sử dụng là NH3 nhằm bảo vệ môi trường) lại gọn nhẹ và dễ lắp đặt, tiết kiệm được mặt bằng, phù hợp với các doanh nghiệp nhỏ và vừa nên vẫn được nhiều doanh nghiệp ưa dùng.

Hệ thống thiết bị lạnh sử dụng NH3 thực ra có tuổi thọ cao, dễ bảo dưỡng sửa chữa, tiêu thụ ít điện năng và thân thiện với môi trường hơn thiết bị lạnh có sử dụng CFC. Theo Giáo sư Tạ Quang Ngọc, như vậy, vấn đề là phải thông tin cho doanh nghiệp hiểu điều ấy. Đồng thời, việc không sử dụng thiết bị có CFC phải trở thành một yêu cầu trong đánh giá và cấp chứng chỉ cho các doanh nghiệp thủy sản đạt tiêu chuẩn về môi trường - tấm giấy thông hành quan trọng để doanh nghiệp bước vào các thị trường lớn…

Nhiều thập kỷ nay khoa học đã chứng minh rằng sự suy giảm của tầng ozone bảo vệ trái đất sẽ gây ra rất nhiều nguy cơ như bệnh ung thư da, đục thủy tinh thể và các bệnh về mắt, đồng thời tác động tiêu cực đến các hệ sinh thái. Tuy nhiên, hoạt động công nghiệp của con người đã và đang phát thải một lượng rất lớn khí nhân tạo có chứa clo và brom phá hủy tầng ozone.

Năm 2005, sau rất nhiều nỗ lực nhằm bảo vệ tầng ozone, các nhà khoa học tính toán lại “lỗ thủng” tầng ozone vẫn có kích thước tới 15,12 triệu km2, gần bằng diện tích nước Mỹ và Canada cộng lại. Tầng ozone chỉ có thể hoàn nguyên trong vòng 50 năm tới, nếu các chất phá hủy nó không còn bị thải vào khí quyển. Nên nhớ, Nghị định thư Montreal mà nước ta là một thành viên đã đặt ra những mục tiêu rất cụ thể cho nhóm nước phát triển và đang phát triển, theo đó đến năm 2010 các nước đang phát triển phải loại trừ hoàn toàn việc sản xuất và sử dụng CFC, halon và carbon tetrachloride.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục