5 tỉnh phối hợp xử lý ô nhiễm môi trường liên vùng

5 tỉnh phối hợp xử lý ô nhiễm môi trường liên vùng

TPHCM có hệ thống sông, kênh, rạch chằng chịt và là hạ du cuối nguồn đổ ra biển của 3 con sông lớn là sông Sài Gòn, Đồng Nai và Vàm Cỏ Đông. Không chỉ vậy, thành phố cũng tiếp giáp với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh và Long An theo các con sông trên. Do vậy, cùng với sự phát triển kinh tế, tốc độ đô thị hóa của các tỉnh lân cận đã kéo theo hệ lụy về ô nhiễm môi trường do nước thải, rác thải từ công nghiệp, nông nghiệp, sinh hoạt, nhất là sự sinh sôi phát triển của lục bình trên sông, kênh rạch ngày càng diễn ra nghiêm trọng.

Lục bình gây ảnh hưởng nghiêm trọng

Trên thực tế, hiện lục bình đang phát triển dày đặc, phủ kín mặt sông, kênh, rạch của thành phố, làm hạn chế sự phát triển của nhiều sinh vật, thực vật khác, làm suy giảm oxy do hạn chế trao đổi khí và gây ô nhiễm nguồn nước do lục bình chết, thối rữa. Lục bình cũng là nơi sinh sống của nhiều loài vật có khả năng gây bệnh như ruồi, muỗi, côn trùng… Sự phát triển dày đặc của lục bình làm hạn chế giao thông, du lịch đường thủy, ảnh hưởng đến hoạt động tưới tiêu, đánh bắt thủy sản. Nghiêm trọng hơn, hệ thống kênh rạch nội thành bị tắc nghẽn dòng chảy, cản trở tiêu thoát nước, cản trở đường thoát lũ gây ngập úng khi có triều cường, mưa lớn, xả lũ thượng nguồn. TPHCM là khu vực hứng chịu nặng nề nhất những tác hại do ô nhiễm lục bình gây ra. Theo thống kê, hiện thành phố có khoảng 3.079 tuyến sông, kênh, rạch. Trong đó, có 181 tuyến sông, kênh rạch có lục bình với tổng chiều dài hơn 200km; đặc biệt, có 66/181 tuyến sông, kênh rạch có lục bình phát triển dày đặc. Ngoài ra, lục bình còn xuất hiện trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, kênh Đôi - kênh Tẻ… trôi dạt, gây cản trở giao thông đường thủy, trở thành bãi rác trôi nổi cho nhiều loại sinh vật gây bệnh cư ngụ.

Nhân viên Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị vớt lục bình trên kênh Tân Hóa - Lò Gốm

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan về điều kiện tự nhiên, sự sinh sôi phát triển nhanh quá mức của lục bình trong thời gian qua xuất phát từ nguồn nước thải bị ô nhiễm nghiêm trọng. Lượng lớn rác thải, nước thải chưa qua xử lý thải trực tiếp ra các con sông đã làm gia tăng hàm lượng các chất ô nhiễm kích thích phát triển mạnh của lục bình như ni tơ, phốt pho trong nước. Điều này xuất phát từ việc quản lý của các tỉnh thành liên quan đối với hoạt động xử lý nước thải chưa đạt yêu cầu. Riêng thành phố thời gian qua đã có nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai nhiều dự án, công trình cải tạo, nạo vét, khai thông dòng chảy, tổ chức các đợt thu gom, xử lý lục bình và cỏ dại, rác thải trên tuyến sông, kênh rạch nhưng chưa hiệu quả. Vì chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng liên quan, ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường của người dân chưa cao. Quan trọng hơn, trang thiết bị máy móc đầu tư cho hoạt động này còn ít, chưa áp dụng rộng rãi. Ông Nguyễn Văn Đam, Giám đốc Công ty TNHH MTV quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi cho biết, biện pháp áp dụng xử lý chủ yếu bằng phương pháp vớt thủ công nên hiệu quả không cao. Gần đây, công ty có phối hợp với Trường Đại học Công nghiệp TP đưa vào ứng dụng máy vớt lục bình nhưng việc sử dụng máy này còn nhiều hạn chế do máy chỉ có thể hoạt động trên những tuyến kênh rạch có diện tích mặt từ 15m trở lên và độ sâu mực nước tối thiểu phải đạt 2m. Máy cũng không thể cắt những thân thực vật thân cứng nên hạn chế trong trường hợp lục bình kết hợp với rác thải hay tại những kênh rạch thuộc khu vực nội thành.

Cấp bách gỡ nguy cho nguồn nước

Để có thể xử lý hiệu quả tình trạng ô nhiễm do lục bình gây ra, về phía TPHCM cần có sự phân vùng để áp dụng những biện pháp xử lý thích hợp. Tiến sĩ Dương Hoa Xô, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học cho biết, đơn cử như đối với lục bình khu vực thượng nguồn thuộc huyện Hóc Môn, Củ Chi thì có thể xử lý bằng phương pháp ủ làm phân hữu cơ. Tuy nhiên, với lượng lục bình phát triển tại hệ thống kênh rạch nội thành có lẫn nhiều tạp chất, rác thải thì phải xử lý bằng biện pháp chôn lấp theo quy định. Riêng lượng lục bình hiện đang sinh sống rất nhanh tại những khu vực kênh rạch quanh Khu chế xuất - Khu công nghiệp Lê Minh Xuân, Tân Tạo, Vĩnh Lộc, Đông Nam… thì cần phải xử lý như chất thải công nghiệp hoặc nguy hại vì lẫn chứa nhiều chất thải độc hại như kim loại, dầu nhớt… Vấn đề quan trọng khác là cần nhất quán trong việc giao cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện xử lý vấn đề này. Có như vậy mới tạo điều kiện để tập trung nguồn lực, đầu tư cơ giới hóa phương tiện vớt và xử lý lục bình hiệu quả. Tránh tình trạng đầu tư và giao trách nhiệm phân tán như hiện nay vừa chồng chéo vừa buông lỏng trách nhiệm trong hoạt động xử lý lục bình.

Mặt khác, cần phải có sự phối hợp của 5 tỉnh, thành TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An trong việc kiểm soát và ngăn chặn sự phát triển lục bình khu vực thượng nguồn. Sự ngăn chặn đó bao gồm phải kiểm soát các nguồn, điểm phát sinh nước thải, rác thải là nhà máy đến các nguồn ô nhiễm phân tán từ nông nghiệp, đô thị đang làm gia tăng hàm lượng các chất dinh dưỡng trên hệ thống con sông Đồng Nai, Sài Gòn và Vàm Cỏ Đông. Đồng thời, thực hiện vớt và xử lý lục bình đầu nguồn để giảm thiểu tình trạng lục bình trôi dạt về khu vực hạ du mà TPHCM là nơi hứng chịu nhiều nhất. Được biết, đại diện các sở ngành liên quan của 5 tỉnh, thành trên đã ký kết kế hoạch ra quân đồng loạt vớt, xử lý lục bình trên sông rạch hàng năm. Theo đó, dự kiến định kỳ từ tháng 3 đến tháng 5 hàng năm, các tỉnh, thành sẽ có những đợt ra quân đồng loạt vớt, xử lý lục bình trên 6 tuyến sông giáp ranh các địa phương gồm sông Sài Gòn, kênh Thầy Cai, kênh Ranh Long An, sông Cần Giuộc, sông Đồng Nai, sông Vàm Cỏ Đông. Động thái này được cho là sẽ giúp ngăn chặn tình trạng phát tán rất nhanh của lục bình gây tắc nghẽn dòng chảy, ô nhiễm môi trường, cản trở giao thông thủy. Vấn đề còn lại là các tỉnh thành sẽ thực hiện cam kết này như thế nào.

ÁI VÂN

Tin cùng chuyên mục