Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng đã chỉ rõ một trong những nội dung yếu kém hiện nay của công tác xây dựng Đảng là: “Một số tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận và đoàn thể nhân dân chưa quan tâm đúng mức công tác dân vận. Nội dung, phương thức vận động, tập hợp quần chúng vẫn nặng tính hành chính”. Từ đó Nghị quyết cũng xác định cần phải: “Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác vận động nhân dân” trong giai đoạn mới. Trong tất cả những giải pháp đề ra để thực hiện nội dung trên thì vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác dân vận “vừa hồng, vừa chuyên” có ý nghĩa rất quan trọng.
Đề cập đến phong cách người cán bộ dân vận, trong tác phẩm Dân vận, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra những yêu cầu rất cụ thể: “Phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”.
Với tinh thần vì cả nước và cùng cả nước, TPHCM luôn nỗ lực và phát huy truyền thống quý báu đoàn kết, trên dưới đồng lòng của Đảng bộ và nhân dân trong thời gian qua, tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu về kinh tế của cả nước. Hơn bao giờ hết, trong giai đoạn hiện nay, đội ngũ cán bộ dân vận của thành phố cần phải được tiếp tục quan tâm hơn nữa cả về chất lẫn về lượng nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng bộ TPHCM đề ra. Với tinh thần đó, theo tôi việc xây dựng đội ngũ cán bộ dân vận của thành phố trong thời gian tới cần lưu ý tới 5 vấn đề.
Trước hết là phải xây dựng và cụ thể hóa tiêu chuẩn, phong cách người cán bộ dân vận mang đặc trưng của TP mang tên Bác. Tiêu chuẩn cán bộ làm dân vận hướng vào các nội dung sau: Có kinh nghiệm, trưởng thành từ phong trào quần chúng; có kiến thức, hiểu biết tốt về công tác vận động quần chúng; có khả năng và kỹ năng: nắm tình hình, địa bàn dân cư, tâm tư nguyện vọng nhân dân, tham mưu, đề xuất…; có nhiệt tình, đam mê, hăng hái với công việc được giao…
Thứ hai, quan tâm hơn về công tác quy hoạch, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ dân vận ở tất cả các cấp. Trong đó, lưu ý đội ngũ cán bộ dân vận ở cơ sở - đây là nơi gần dân nhất. Quy hoạch phải đồng bộ từ trên xuống dưới; lấy quy hoạch cấp dưới làm cơ sở cho quy hoạch cấp trên. Cán bộ trong diện quy hoạch phải được trang bị kiến thức toàn diện trên tất cả các lĩnh vực và kỹ năng cần thiết một cách lâu dài và thường xuyên.
Thứ ba, thống nhất trong công tác quản lý và đánh giá cán bộ. Phải thực hiện đúng và đảm bảo nguyên tắc Đảng, khách quan, dân chủ, đúng quy trình, tránh tình cảm, nể nang, tư tưởng “con ông cháu cha”, lấy tiêu chuẩn và hiệu quả công tác làm thước đo.
Thứ tư, phải “đúng người, đúng việc” trong bố trí và sử dụng cán bộ dân vận. Tránh việc “Cử ra một ban hoặc một vài người, mà thường cử những cán bộ kém rồi bỏ mặc họ”, rồi “Những cán bộ khác không trông nôm, giúp đỡ… Đó là sai lầm rất to, rất có hại”. Mạnh dạn sử dụng cán bộ trẻ, cán bộ có triển vọng, đảm bảo nguồn phát triển liên tục và không bị hụt hẫng khi cần điều động, luân chuyển theo yêu cầu của tổ chức.
Thứ năm, định kỳ điều động, luân chuyển cán bộ dân vận. Luân chuyển để phát huy mặt mạnh và qua thực tiễn sẽ hoàn thiện dần những mặt còn hạn chế của cán bộ làm công tác dân vận. Kiên quyết không điều động, luân chuyển cán bộ bị kỷ luật ở nơi này về làm cán bộ lãnh đạo ở cơ quan dân vận hoặc phụ trách công tác dân vận tại cơ quan khác. Đó là “Khuyết điểm to ở nhiều nơi” do họ “xem khinh việc dân vận” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ ra trong tác phẩm Dân vận ngày 15-10-1949.
Bác đã từng nhấn mạnh: “Vấn đề dân vận nói đã nhiều, bàn đã kỹ nhưng vì nhiều địa phương, nhiều cán bộ chưa hiểu thấu, làm chưa đúng, cho nên cần phải nhắc lại”. Dù thời gian và hoàn cảnh có thay đổi, dù nhiệm vụ có khác so với trước đây nhưng chúng ta phải luôn ghi tạc lời dạy và phải thường xuyên “nhắc” với nhau về những lời dạy của Người về công tác dân vận. Từ đó góp phần xây dựng TP ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” xứng danh TPHCM - Thành phố anh hùng.
Thạc sĩ PHẠM NGỌC LỢi