Chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp từ ngày 1-7, cả nước đang chứng kiến một chuyển động mạnh mẽ trong tư duy quản trị: chuyển từ tư duy hành chính sang tư duy phục vụ. Tư duy đó đã được Tổng Bí thư Tô Lâm liên tục nhấn mạnh tại nhiều hội nghị quan trọng và đang được cụ thể hóa qua những hành động thực tiễn của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là người đứng đầu các địa phương trong thời gian này.
Những ngày qua, hình ảnh Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Phạm Văn Thịnh tham gia livestream bán vải thiều Lục Ngạn đã gây được ấn tượng rất tốt với nhiều người. Trong 6 giờ phát trực tiếp, hơn 54 tấn vải đã được chốt đơn. Nhưng ấn tượng không phải nằm ở con số mà là hình ảnh người cán bộ tỉnh đứng bên người nông dân, tự tay giới thiệu nông sản, trò chuyện bằng giọng nói mộc mạc và tinh thần trách nhiệm cao. Trong cuộc mua - bán bình dị ấy, Phó Chủ tịch Phạm Văn Thịnh không chỉ góp phần tiêu thụ nông sản địa phương mà còn gửi một thông điệp mạnh mẽ đến công chúng, đó là: Chính quyền không ở xa dân, không chỉ đạo từ xa mà sẵn sàng xắn tay hành động.
Phiên livestream có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh tham gia được chia sẻ là một hành động tự phát, song điều này đã phản ánh đúng tinh thần mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ nhiều lần yêu cầu: phải chuyển từ “làm hết trách nhiệm” sang “làm đến nơi đến chốn”, làm cho dân tin, dân thuận, dân ủng hộ. Tư duy này đòi hỏi người cán bộ không được giới hạn mình trong khuôn phép hành chính khô cứng, mà phải đặt hiệu quả phục vụ người dân lên hàng đầu. Chính quyền không chỉ làm đúng quy trình, mà phải chủ động làm tốt, làm thiết thực, tạo cho người dân cảm nhận được sự tôn trọng, đồng hành và hỗ trợ.
Sự thay đổi sang tư duy phục vụ còn được cụ thể hóa trong cách tổ chức, vận hành bộ máy hành chính, điển hình là mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công. Đây không còn đơn thuần là “bộ phận một cửa” kiểu cũ - nơi người dân thường đến nộp hồ sơ, chờ đợi được gọi tên mà các trung tâm ngày nay đã trở thành không gian phục vụ thực sự.
Câu chuyện của bà Dương Thị Hạnh (80 tuổi, ngụ phường Tân Mỹ, TPHCM), đến làm thủ tục nhận trợ cấp người cao tuổi trong ngày đầu chính quyền địa phương 2 cấp vận hành, là một ví dụ. Bà cảm thấy phấn khởi vì nhận được sự chào hỏi thân thiện từ đội ngũ bảo vệ, được hướng dẫn nhiệt tình từ đoàn viên thanh niên, được phục vụ trà nước, đồ ăn nhẹ trong không gian chờ đợi sạch đẹp, lịch sự. Đó là những chi tiết nhỏ nhưng thể hiện bước chuyển lớn trong tư duy phục vụ của cơ quan nhà nước.
Trước đây, nhiều địa phương tại TPHCM đã triển khai mô hình cử Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường, quận trực tiếp làm việc tại bộ phận một cửa để tham gia cùng cán bộ, công chức giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Hay mô hình lãnh đạo phường, quận xuống khu dân cư để đối thoại, trực tiếp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân… Các mô hình này đã phát huy hiệu quả và cần tiếp tục được triển khai.
Giờ đây, với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, khi phân cấp, phân quyền được đẩy mạnh, đòi hỏi người đứng đầu cấp xã càng thường xuyên trực tiếp đôn đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công để sâu sát. Qua đó, người dân được quan tâm, hỗ trợ kịp thời hơn. Chưa hết, trên tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia cùng Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”, người đứng đầu chính quyền địa phương phải khẩn trương áp dụng công nghệ số, hành chính số để phục vụ nhân dân, giảm bớt phiền hà, lãng phí cho người dân. Khi cán bộ không còn đơn thuần “tiếp dân” mà thực sự “đồng hành cùng dân”, khoảng cách giữa chính quyền và người dân sẽ dần thu hẹp.
Trong bối cảnh hiện nay, để đưa đất nước tiến xa hơn, nhất thiết phải đổi mới tư duy, đổi mới cách tiếp cận và dám làm điều đột phá, chưa có tiền lệ. Trục trọng tâm luôn là hướng về người dân với tinh thần phục vụ cao nhất. Điều đó đòi hỏi từng cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu, có dũng khí nhận trách nhiệm, sẵn sàng đảm đương cái mới, tự nâng cấp chính mình để vượt qua sự bảo thủ, trì trệ và bắt nhịp với yêu cầu ngày càng cao của tiến trình phát triển.