50 năm kết nối xương người

50 năm kết nối xương người

Lấy ra ba nắm xương từ trong túi ni lông, sau vài giây dịch qua chuyển lại ông đã xếp thành một bàn tay xương. Trên bàn làm việc của ông, ngoài mấy cái kềm, kéo, dây thép,… xếp ngay ngắn, còn lại rặt xương người, đầu lâu.

  • Chàng thợ may học… ghép xương
50 năm kết nối xương người ảnh 1

Ông Thân bên bộ xương người ghép hoàn chỉnh.Ảnh: NG.TR.

Năm 1942, khi vừa tròn tuổi 18, Bùi Văn Thân cùng gia đình rời quê hương Hải Phòng vào Sài Gòn làm thợ may quần áo. Gặp lúc hàng ế ẩm, năm 1955, chàng thợ may được người quen giới thiệu vào làm tại Bộ môn giải phẫu học Trường ĐH Y khoa Sài Gòn. Từ đây, anh được dạy kỹ thuật… xử lý, bảo quản xác, ghép xương phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập tại trường. Trong công việc mới, nghề may chỉ giúp ông điều duy nhất là… tính kiên nhẫn. Theo sát người hướng dẫn là ông Đào Công Nân (một công nhân kỹ thuật từ Hà Nội vào công tác), chỉ  6 tháng, anh Thân đã thuần thục các thao tác cơ bản: kết nối một bộ xương người theo đúng vị trí từ 208 đốt xương.

Ngoài ghép xương, ông Thân làm nhiều việc khác phục vụ bộ môn giải phẫu học như: có xác mới chuyển về, ông cùng cộng sự xử lý hóa chất, tiêm thuốc bảo quản. Theo lịch học của sinh viên (SV), hàng tuần ông cung cấp xương, từng phần hoặc cả  bộ, cho SV thực tập. Sau đó, ông cặm cụi thu dọn, vệ sinh phòng, xử lý phẫu tích do SV để rơi vãi, tẩm dung dịch để xác không bị khô… Giọng điềm đạm, ông Thân cho biết, công đoạn khá quan trọng mà nếu “không kiên nhẫn, thiếu tập trung là thua” là xử lý xác sau một năm SV thực tập bởi còn phải giữ xương lại để sử dụng. Trong số 3-4 xác được chuyển vào xử lý, ông đánh dấu kỹ một bộ xương tốt để ghép bộ. Từng chút một, ông cẩn thận bóc tách các phần cơ, gân khỏi xương, ghi nhớ vị trí từng bộ phận. “Để một vài đốt xương từ cơ thể người này lẫn lộn với cơ thể người kia xem như… hỏng”, ông nói.

  • Cho xương… cử động!

Ông Thân cho biết, hồi đầu học nghề, chỉ cốt kết nối xương sao cho đúng vị trí nên ông dùng dây thép siết chặt đầu các đốt xương khiến nhiều bộ phận xương không cử động được, hạn chế việc tiếp thu của SV. Trong khi, bộ xương nhập từ nước ngoài (đã được xử lý công nghiệp), có sẵn ốc-vít  tháo ráp dễ dàng nhưng mất khoảng 8.000 USD, chưa kể có những phần không giống bộ xương người Việt Nam. Thế là ông nghĩ cách làm cho bộ xương người Việt cũng… cử động được.

Các xương sườn và xương ức ông cho nối với nhau bằng ống nhựa dẻo trong suốt. Sụn giữa các đốt xương sống, dùng mút xốp (lấy trong các thùng hàng) cắt khoanh. Đặc biệt, phần xương hàm dưới được ông kết nối với xương hàm trên bởi hai cọng lò xo tự chế, có thể cử động lên xuống như đang nhai. Phần xương cánh tay và cẳng tay cũng được lắp ghép bằng sợi dây thép, trông khá đơn giản nhưng gập vào duỗi ra được. Công phu hơn, ở phần xương cánh tay, phần xương quay có thể lật trên xương trụ, tương tự như người bình thường cử động  bàn tay xấp-ngửa.

Nhìn bộ xương ông Thân ghép, mọi người chỉ biết thán phục. Có đến hàng trăm, hàng nghìn lỗ nhỏ do chính tay ông khoan. Hàng trăm cái móc lò xo bằng dây thép do ông quấn lấy. Chưa kể hàng trăm mảnh nhôm nhỏ từ lon bia, lon sữa bò được ông cắt, ghép vào. Ông cho biết: “Xương hàm khó khoan nhất, rất cứng. Nung lưỡi khoan đỏ rực, khoan bốc khói mà vẫn không xi nhê gì. Xương bàn tay-bàn chân dễ khoan hơn nhưng các đốt lại có nhiều mặt. Cái chính là làm thế nào để các mặt từng đốt xương khớp vào đúng vị trí. Nếu không, khi cử động giống như người… có tật”.

  • Một đời gắn bó với xương

Cho đến nay, ông Thân được xem là người đầu tiên ở khu vực phía Nam xếp hoàn chỉnh bộ xương người. Ông cũng là người có tuổi thọ cao nhất và nhiều năm nhất còn tiếp tục cống hiến cho bộ môn giải phẫu học. Trong suốt 50 năm ông làm việc ở bộ môn giải phẫu của Trường ĐH Y khoa Sài Gòn, sau đó là Trường ĐH Y dược TPHCM và nay là TT Đào tạo và Bồi dưỡng cán bộ y tế TPHCM, chưa ai thống kê ông đã ghép được bao nhiêu bộ xương người. Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Đăng Diệu-Trưởng phòng quản lý đào tạo, chủ nhiệm bộ môn giải phẫu học thuộc TT Đào tạo và Bồi dưỡng cán bộ y tế TPHCM cho biết: ”Tại trung tâm chưa có ai xếp hoàn chỉnh bộ xương như bác Thân. Những bộ xương này không chỉ phục vụ học tập - giảng dạy tại trung tâm, mà còn hỗ trợ một số trường đại học ở Cần Thơ, Tây Nguyên”.

Ở tuổi 82, ông Thân vẫn luôn đến trường đúng giờ, sẵn sàng cho SV mượn xương thực tập thêm ngoài giờ. SV mở các đốt xương ra rồi ráp lại không chính xác, ông ngồi ráp lại là chuyện thường ngày. Ông Thân tâm sự: “Nhiều người đã dám hy sinh bản thân cho khoa học, tôi chỉ góp công sức nhỏ với mong ước những người thầy thuốc tương lai tích lũy được nhiều kiến thức bổ ích, cứu giúp bệnh nhân thoát khỏi bệnh tật”.

NGỌC TRƯỚC

Tin cùng chuyên mục