
So với cách đây chừng 5-7 năm, “thế giới” dạy và học lái ô tô trên địa bàn TPHCM có thể nói đã có nhiều đổi khác…
Nhận diện người đi học lái xe

Một góc Trung tâm sát hạch lái xe Củ Chi.
Rảo một vòng qua các trường dạy lái xe tại thành phố, ghi nhận đầu tiên là thành phần nghề nghiệp của các học viên giờ đây rất đa dạng, từ những người đã có địa vị xã hội như bác sĩ, kiến trúc sư, giám đốc một số công ty du lịch hay doanh nghiệp địa ốc… cho đến những cô cậu thanh niên mới lớn, vừa đủ tuổi được phép học lái xe con, chưa có việc làm. Chính vì thế độ tuổi các học viên cũng nhiều cỡ, nhưng 60% nằm trong ngưỡng từ 23-35 tuổi.
Số học viên học lái xe này không chỉ cư trú tại TPHCM - số người có hộ khẩu thường trú thành phố chiếm tỷ lệ 65% - mà còn đến từ nhiều địa phương lân cận như Long An, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương và cả các tỉnh miền Trung xa xôi.
Còn nhớ cách đây khoảng 5-7 năm, các học viên lẫn giáo viên dạy lái xe đều tỏ ra “rất, rất ngạc nhiên” mỗi khi thấy trong lớp học lái xe con có học viên là… nữ giới. Đơn giản vì dạo ấy, chuyện đàn bà con gái đi học lái ô tô tại thành phố là rất hiếm, chiếm tỷ lệ chưa đầy 5%. Vậy nhưng con số đó bây giờ đã tăng lên gấp ba, gấp bốn lần, chiếm khoảng 15%-20% số học viên.
50% học để lái xe nhà
Phó Hiệu trưởng Trường dạy lái xe Tiến Bộ, ông Nguyễn Anh Dũng - người đã có thâm niên 20 năm trong nghề - khẳng định rằng cách đây chừng 10 năm, có đến 80% người học lái xe con với mục đích sẽ đi xin việc làm, tức xem việc lái ô tô như một nghề mưu sinh, trong số ấy phần lớn thời gian đầu vào làm việc cho các hãng taxi. Nay điều này đã thay đổi.
Theo một thống kê không chính thức, có đến 50% số học viên học lái xe con để về tự lái xe nhà, tức nhà có xe riêng. Thậm chí diện này có những người còn rất trẻ, như trường hợp của học viên Lương Đức Tiến 19 tuổi, ngụ tại Lê Văn Sỹ quận Phú Nhuận hay trường hợp của ba chị em ruột Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, nhà tại phường 15 quận Tân Bình.
Cũng có nhiều người đi học trước cho biết, để có sẵn bằng lái trong túi, mặc dù hiện chưa có điều kiện mua ô tô riêng mà điển hình là bác sĩ Phạm Văn Công, chuyên khoa Gây mê của Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM, đang theo học bằng lái B2 (bằng lái xe con dưới 9 chỗ) tại Trường Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương.
Trường dạy lái xe cũng phải “làm mới”
Không chỉ khác trước ở đầu vào-tức về phía học viên, các trường lớp dạy lái ô tô giờ đây cũng được đặt trong yêu cầu phải nâng cấp, phải “làm mới” để thích hợp với thời đại, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam sắp gia nhập WTO với dự báo nhu cầu học lái xe con theo đó sẽ gia tăng.
TPHCM hiện có 27 cơ sở đào tạo lái ô tô thuộc nhiều thành phần kinh tế khác nhau và dĩ nhiên quy mô đào tạo cũng không giống nhau. Bằng chứng là chỉ có khoảng 30% trường trong số này có sân tập riêng, còn lại đều phải đi thuê sân bãi cho học viên của mình thực hành lái xe.
Nhóm những cơ sở đào tạo có quy mô đáng kể bao gồm các tên tuổi như Trường dạy lái xe Tiến Bộ (trường này thậm chí còn đầu tư cả một trung tâm sát hạch tự động tại Củ Chi) với lưu lượng đào tạo cho phép đến 500 học viên; Trường đào tạo lái xe Bách Khoa - lưu lượng đào tạo là 300; Trường Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương - lưu lượng đào tạo 200…
Có thể nói giữa các trường đang có một cuộc chạy đua bất thành văn, nhưng đấy là cuộc đua lành mạnh nhằm tạo ra dấu ấn riêng, từ đó có sức hấp dẫn riêng của từng trường trong mắt học viên. Phó hiệu trưởng Lê Văn Nhơn của Trường đào tạo lái xe Bách Khoa nói rằng thời buổi cạnh tranh, nên để sống còn, bản thân trường phải có uy tín. Cách tạo dựng uy tín của Trường Bách Khoa nằm ở chính tâm niệm của đội ngũ lãnh đạo trường là “đào tạo để học viên lái được xe sau khi có bằng (tức có kỹ năng tốt thực sự), chứ không dạy để lấy bằng”.
Còn Hiệu trưởng Trần Văn Hải cho biết cách làm của Trường Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương lại là chủ động tăng thêm thời lượng thực hành trên xe cho từng học viên, nhờ thuận lợi do trường có sân tập riêng rộng 10.000m2 tại xã Vĩnh Lộc huyện Bình Chánh. “Chúng tôi cũng đang xin phép tăng lưu lượng đào tạo lên thành 250”, ông Hải nói thêm.
Tuy nhiên cách làm độc đáo nhất có lẽ thuộc về Trường dạy lái xe Tiến Bộ. Đây là trường dạy lái xe duy nhất tổ chức cho học viên cuối khóa (sắp bước vào kỳ sát hạch) đi thực tập lái xe từ TPHCM tới Đà Lạt, vốn có nhiều đoạn đường đèo – một yêu cầu bắt buộc được nêu trong nội dung đào tạo lái ô tô. “Tác dụng của cách tập lái qua đường đèo thực tế này rất thiết thực, vì giúp cho học viên có được sự tự tin và vững vàng tay lái khi điều khiển xe sau này”, Phó Hiệu trưởng Nguyễn Anh Dũng nói.
Cách học-mà-chơi như vậy đã đánh trúng vào ý thích của số đông học viên, từ đó “hút” người học đến với Trường Tiến Bộ. Kiến trúc sư Ngô Anh Vũ, Giám đốc Nhà Việt Group, xác nhận sở dĩ chọn học lái xe tại Tiến Bộ vì “kết” chuyến dã ngoại thực tế này, mặc dù nhà ông ở quận 2 còn trường nằm tại quận Tân Phú, nghĩa là cách khá xa. Kiến trúc sư Vũ không phải là người cá biệt bởi trong thực tế, rất nhiều học viên đổ đến học tại Tiến Bộ cũng bởi sự háo hức như thế.
Thời buổi hội nhập, có lẽ chỉ những cơ sở đào tạo không đặt nặng kinh doanh kiểu như các trường Tiến Bộ, Bách Khoa, Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương… mới có thể “trụ” được.
Thiện Nhân