
Theo tin từ Cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão tại miền Trung, đến ngày 5-11, mực nước trên hầu hết các sông ở miền Trung vẫn còn ở mức cao. Theo thống kê sơ bộ, từ ngày 29-10 đến chiều 5-11, lũ lụt đã làm 53 người chết (Khánh Hòa: 1, Phú Yên: 12, Bình Định: 6, Quảng Ngãi: 8, Quảng Nam: 9, Đà Nẵng: 1, Thừa Thiên - Huế: 11, Quảng Trị: 2 và Quảng Bình: 3); 6 người mất tích (Khánh Hòa: 1, Bình Định: 2 và Quảng Nam: 3).
Trong hơn 9 ngày lũ lụt hoành hành, đã có 17 ngôi nhà bị sụp, trôi; 689 nhà bị tốc mái, hư hỏng; hơn 80.000 nhà bị ngập chìm trong nước; 313 phòng học bị hư hỏng, ngập lụt; 9.867 hộ dân phải di dời. Đến chiều 5-11, thiệt hại đã trên 500 tỷ đồng.
Quảng Ngãi: Sạt núi, vùi lấp 3 người

Lực lượng cứu hộ của tỉnh Quảng Ngãi đang tìm kiếm nạn nhân bị nước lũ cuốn mất tích. Ảnh: HÀ MINH
Lúc 19 giờ 30 phút ngày 5-11, UBND huyện Tây Trà (tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, tại Km 53 thuộc tuyến đường Trà Bồng - Trà Phong, trong lúc cán bộ, nhân viên của ngành bưu chính viễn thông đang khắc phục sự cố mất thông tin liên lạc do mưa lũ gây ra trong những ngày qua thì một vụ sạt lở núi kinh hoàng bất ngờ ụp xuống làm 3 người mất tích và 5 người khác bị thương nặng.
3 nạn nhân mất tích là ông Dũng, Giám đốc Bưu điện huyện Tây Trà; Đào Anh Tuấn và một người tên Vũ là công nhân tăng cường thuộc Bưu điện Khu kinh tế Dung Quất.
Quảng Nam: 600 HS nội trú ở Tây Giang có nguy cơ đói
Ngày 5-11, ông Bh’ríu Liếc, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, cho biết: Hơn 600 học sinh Trường THCS nội trú A Xan đứng trước nguy cơ bị đói do hết lương thực.
Hơn 600 học sinh này đến từ 4 xã biên giới của huyện là A Xan, TrHy, Chum, Gary. Từ ngày 15-10 đến nay, mưa lũ khiến đường đến các xã này bị sạt lở và lầy lội không thể đi lại được, trường hoàn toàn bị cô lập với bên ngoài, các ngành chức năng của huyện không thể nào đưa gạo lên cứu trợ.
UBND huyện Tây Giang chỉ đạo các ngành chức năng mượn gạo của Đồn Biên phòng 649 cho các em ăn tạm và tổ chức cho dân làng gùi gạo vào tiếp tế cho các em. Ngày 5-11, UBND tỉnh Quảng Nam xuất 400 tấn gạo để hỗ trợ một số địa phương có nguy cơ đói.
Đà Nẵng: Còn 10 tàu, trên 100 ngư dân ngoài biển
Tính đến 17 giờ ngày 5-11, TP Đà Nẵng còn 10 tàu đánh bắt ven bờ với gần 101 ngư dân đang hoạt động trên vùng biển từ Nghệ An đến Đà Nẵng. Tại âu thuyền Thọ Quang, các lực lượng chức năng cũng đã hướng dẫn ngư dân neo đậu 307 phương tiện an toàn; trong đó có 170 phương tiện ngoại tỉnh.
Nhiều đoàn tàu mắc kẹt tại Phú Yên

Ông Nguyễn Hữu Tuyên, Trưởng ban Kinh doanh – Vận tải (Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam) cho biết, tính đến 17 giờ chiều 5-11, đã có 6 đoàn tàu mắc kẹt tại Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) do tuyến đường sắt bị ngập và sạt lở. Ngành đường sắt sẽ phục vụ ăn, uống miễn phí cho hành khách đi trên các chuyến tàu trên. Ga Sài Gòn đã thông báo hoãn xuất phát chuyến tàu nhanh số hiệu SE2 và SE4. Những hành khách đã mua vé đi các chuyến tàu trên có thể giữ vé để đi những chuyến tàu có cùng số hiệu xuất phát vào sáng hôm nay (6-11), những hành khách không tiếp tục đi tàu, nhà ga sẽ hoàn trả 100% tiền vé.
ĐBSCL: 10 trẻ em chết đuối
Nước lũ đầu nguồn ở ĐBSCL đang xuống nhanh. Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp, đã có 10 trẻ em chết đuối do lũ. Đáng lo ngại nhất hiện nay là lũ rút kéo theo tình trạng sạt lở lan rộng. Tại xã Long Thuận (Hồng Ngự, Đồng Tháp), vừa xảy ra vụ sạt lở làm mất con lộ nhựa dài 50m, sâu vào đất liền khoảng 7m. Tại An Giang, sạt lở cuốn trôi 15.320m2 đất.
Chiều 5-11, tỉnh Tiền Giang cho biết hiện còn 246 tàu hoạt động trên biển. Tại Cà Mau, còn 955 tàu thuyền với 8.459 ngư dân trên biển. Kiên Giang có 150 tàu ở khu vực nguy cơ ảnh hưởng bão...
NG.HÙNG-H.MINH-NG.KHÔI-NG.HÙNG-H.P.L.
Thông tin liên quan:
* Sáng nay, bão Peipah bất ngờ “tăng tốc”
* Chính phủ yêu cầu các địa phương khẩn trương phòng chống bão
* Mưa lũ ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên
Thêm một số người chết và mất tích