Ngoài ra còn có 3 nước là Tây Ban Nha, Czech và Slovakia cũng bị theo dõi gắt gao.
Biện pháp cứng rắn
Trước đó, danh sách này gồm 9 nước nhưng vào phút chót, 3 nước là Tây Ban Nha, Czech và Slovakia được tạm thời đưa ra khỏi danh sách trừng phạt nhưng vẫn tiếp tục bị theo dõi. Các tiêu chuẩn về chất lượng không khí hiện tại được Liên minh châu Âu (EU) đưa ra từ năm 2008, trong đó quy định các quốc gia thành viên phải có các biện pháp nhằm giảm lượng NO2 cũng như các phân tử khí bụi PM10 trong không khí. Theo cáo buộc của EC, 6 quốc gia nêu trên đã nhiều năm liên tiếp không tuân thủ các quy định này. EC cho biết hiện tại ô nhiễm không khí đang gây ra các đe dọa khẩn cấp về sức khỏe nên cần hành động cứng rắn.
Các quốc gia EU bị phạt vì ô nhiễm không khí sẽ phải nộp phạt ít nhất 11 triệu EUR, cộng thêm 240.000 EUR/ngày cho đến khi chất lượng không khí đạt tiêu chuẩn cho phép.
Hồi đầu năm nay, EU đã triệu bộ trưởng môi trường 9 nước trong danh sách báo động để yêu cầu các nước này tuân thủ tiêu chuẩn về chất lượng không khí của EU. Người phát ngôn EC Margaritis Schinas cho biết Ủy viên châu Âu phụ trách Môi trường Karmenu Vella dành cho các nước trên cơ hội cuối cùng để tìm ra giải pháp cho vấn đề ô nhiễm không khí. Đến nay, tổng cộng có 23/28 nước thành viên EU đã vi phạm các quy chuẩn về chất lượng không khí. Vấn đề này ảnh hưởng đến hơn 130 thành phố tại châu Âu. Theo số liệu của EU, ô nhiễm không khí sẽ khiến chi phí của khối cho vấn đề sức khỏe lên tới 20 tỷ EUR/năm. Khoản tiền phạt được tính căn cứ vào 3 yếu tố: mức độ vi phạm quy định, khoảng thời gian vi phạm và điều kiện kinh tế của quốc gia đó tính dựa theo tổng thu nhập quốc nội.
Chưa đủ răn đe
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có 6,5 triệu người trên thế giới chết vì ô nhiễm không khí, trong đó có hơn 3 triệu người sống tại các thành phố. Báo cáo mới đưa ra đầu tháng của WHO cho biết, ô nhiễm không khí cũng cướp đi sinh mạng của khoảng 500.000 công dân châu Âu/năm. Trước đây, Bulgaria là quốc gia thành viên đầu tiên của EU bị xét xử về ô nhiễm không khí. Trong khi đó, 5 nước gồm Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Italia và Anh vi phạm những giới hạn về hàm lượng khí NO2 vượt ngưỡng cho phép.
Ngoài ra, trong một báo cáo khác về chính sách môi trường của các nước thuộc EU, EC đã lưu ý “những vấn đề dai dẳng” của Italia trong việc xử lý nước thải, nhất là ở khu vực miền Nam. Bên cạnh đó, Italia cũng bị chỉ trích do tình trạng ô nhiễm không khí và khói bụi vẫn ở mức cao ở khu vực miền Bắc. EC cảnh báo Italia có thể bị phạt tới 1 tỷ EUR vì đã để xảy ra tình trạng bụi mịn vượt ngưỡng an toàn của châu Âu. Báo cáo của EC khuyến nghị Italia có thể đưa ra loại thuế áp dụng trên toàn quốc đối với các điểm chôn lấp rác thải nhằm giảm tình trạng chôn lấp rác thải. Việc không tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường của EU đã khiến Italia thiệt hại hàng chục triệu EUR tiền phạt đối với các điểm chôn lấp rác thải bất hợp pháp. Năm 2015, Italia đã bị EU phạt 20 triệu EUR liên quan đến xử lý rác thải. Bên cạnh đó, các nghị sĩ của Nghị viện châu Âu (EP) đã đưa ra bản khuyến nghị kêu gọi các nước thành viên và EC hành động nhanh chóng để cải thiện khả năng kiểm soát các hãng sản xuất ô tô, nhằm ngăn chặn những vụ gian lận mới trong kiểm định các tiêu chuẩn về môi trường.