6 tỷ đồng trồng cây chắn sóng chống bão

Không hẹn mà gặp, cả UBND huyện Cần Giờ lẫn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM đều nhận thức rõ tầm quan trọng của việc thích ứng biến đổi khí hậu trên địa bàn huyện duy nhất giáp giới với biển của TPHCM, cũng là vùng đất “đầu sóng ngọn gió” - hiểu theo nghĩa đen của những từ này.

Không hẹn mà gặp, cả UBND huyện Cần Giờ lẫn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM đều nhận thức rõ tầm quan trọng của việc thích ứng biến đổi khí hậu trên địa bàn huyện duy nhất giáp giới với biển của TPHCM, cũng là vùng đất “đầu sóng ngọn gió” - hiểu theo nghĩa đen của những từ này.

Còn nhớ cơn bão số 9 có tên khoa học là Durian đã đổ bộ vào huyện Cần Giờ - TPHCM đầu tháng 12-2006, khi trận bão qua đi đã để lại những hậu quả nặng nề cho vùng đất vốn dĩ còn nhiều khó khăn này. Đã có 5ha đất sản xuất nông nghiệp, hơn 57ha nuôi trồng thủy sản, 14.855 cây ăn trái bị thiệt hại. Ngoài ra còn những hư hỏng cơ sở vật chất khác như sạt lở 308m bờ kè, 8 dầm cầu…

Có lẽ cú sốc này sau đó đã giúp cho người ta ngộ ra rằng có thể sự việc sẽ khác đi, hậu quả sẽ đỡ hơn rất nhiều, nếu như suốt chiều dài bờ biển Cần Giờ được che chắn bởi các rặng cây. Trong bản kế hoạch của UBND huyện Cần Giờ và trong đề xuất mới đây nhất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chương trình trồng cây chắn sóng bảo vệ bờ biển, đê biển và trồng cây phòng, chống sạt lở bờ bao, đê bao, bờ sông rạch đã được nêu lên rất chi tiết.

Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, ông Lê Văn Thơm cho biết, loại cây trồng được nhắm đến chính là cây mắm, cây bần, cây đước, cây đưng… Các loại cây này có tác dụng chắn gió tốt nhất, chống sạt lở đê biển hiệu quả, với mật độ cây trồng khoảng 10.000 cây/ha và kích thước cây giống từ 1-2m. Các xã cần ưu tiên trồng cây là Bình Khánh, Lý Nhơn, An Thới Đông, Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh. Trước mắt, trong năm 2011 sẽ chỉ triển khai trồng cây trên phạm vi 10,21ha, ưu tiên cho kè Bình Trung, sông Soài Rạp, kênh Bà Tổng, kè bảo vệ khu dân cư Đồng Tranh và kè bảo vệ khu vực Trường Tiểu học Đồng Hòa.

Trong giai đoạn tiếp theo từ năm 2012-2015, việc trồng cây tiếp tục được mở rộng trên tổng diện tích 20,62ha như kè đá bảo vệ khu dân cư Hưng Thạnh thuộc thị trấn Cần Thạnh, rạch Bà Tùng, rạch Nốp, rạch Sâu 1 và 2, sông Lòng Tàu… Kinh phí cho dự án trồng cây chắn sóng che gió này ước tính khoảng hơn 2 tỷ đồng cho năm 2010 và trên 4,1 tỷ đồng cho giai đoạn từ 2012-2015.

MINH TUẤN

Tin cùng chuyên mục