Dư luận tỉnh Quảng Ngãi đang xôn xao vụ việc UBND huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) chặt bỏ 600 cây thông ba lá, loại thông lâu năm (tương đương 216m³ gỗ) thuộc rừng phòng hộ và bán cho doanh nghiệp với giá chỉ 65 triệu đồng.
Rừng thông trên được trồng cách đây hơn 30 năm do Ban quản lý rừng phòng hộ khu Đông (UBND huyện Ba Tơ) quản lý. Ông Phạm Hồng Vân, Giám đốc Ban quản lý Rừng phòng hộ khu Đông cho biết: năm 2012, đơn vị tiếp quản gần 25ha rừng thông dọc quốc lộ 14, đến nay chỉ còn lại hơn 6ha nhưng nằm rải rác ở các tiểu khu. Không những không giữ số diện tích còn lại để có phương án bảo tồn, UBND huyện Ba Tơ lại còn cho phép Công ty Hoàng Lâm Phú khai thác 600 cây thông mà không thông qua UBND tỉnh và thẩm tra của Sở NN-PTNT.
Lý giải vấn đề này, ông Lê Hàn Phong, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, cho biết: “Vì thấy cảnh quan đặc trưng của huyện bị dân tàn phá để trồng keo, có nhiều cây thông đã bị người dân đóng đinh vào thân cây bị chết, nằm xen lẫn với những cây thông tươi tốt. Do đó, Huyện ủy mới thống nhất chặt bỏ những cây thông chết để trồng lại thông mới, tránh tâm lý khi người dân thấy thông chết sẽ càng ra sức tàn phá thêm”.
Nơi rừng thông bị đốn trở thành đồi trọc
Khi việc chặt thông diễn ra nửa chừng thì bị đoàn thanh tra Chi cục kiểm lâm phối hợp Sở NN-PTNT Quảng Ngãi đình chỉ vụ việc vì cho rằng việc chặt cây trên là trái phép.
Ông Trần Ngọc Thương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ngãi cho rằng, trước khi địa phương cấp huyện, xã muốn khai thác bán đấu giá rừng phải xin chủ trương của UBND tỉnh. Khi UBND tỉnh đồng ý và cấp phép mới được khai thác bán đấu giá gỗ công khai. “Do đó, việc chỉ định doanh nghiệp tự ý khai thác bán hàng trăm mét khối gỗ như thế là sai quy định, sai thẩm quyền. Chúng tôi đã phối hợp với Chi cục kiểm lâm thành lập đoàn thanh tra và đình chỉ vụ việc chặt thông”, ông Trần Ngọc Thương nói.
Còn ông Lê Hàn Phong thừa nhận: “Việc tự ý chỉ định thầu và cho đơn vị trúng thầu khai thác mà không báo cáo với UBND tỉnh và Sở NN-PTNT là việc làm sai quy định. Tuy nhiên, đó là việc làm cấp thiết nếu muốn giữ lại rừng thông từng là biểu tượng sinh thái của huyện”.
HÀ MINH