Sáng nay (22-3), UBND TPHCM tổ chức hội nghị tổng kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông năm 2022; triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2023.
Quang cảnh buổi hội nghị tổng kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông năm 2022 và nhiệm vụ năm 2023. Ảnh: QUỐC HÙNG |
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường biểu dương các tập thể, cá nhân đã có nhiều nỗ lực, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông và trật tự lòng đường, vỉa hè trong năm 2022.
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tế vẫn còn nhiều bất cập tiếp tục chấn chỉnh. Trong đó, hạ tầng kỹ thuật đô thị chưa đáp ứng nhu cầu, thiếu không gian an toàn cho người đi bộ; tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh, buôn bán còn diễn ra ở nhiều nơi, gây mất trật tự giao thông, mỹ quan đô thị...
Vì vậy, tình hình giao thông còn diễn biến phức tạp; số vụ, số người chết do tai nạn giao thông tiềm ẩn nguy cơ tăng cao. Tiếp đó, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức chưa thật sự quyết liệt, thường xuyên, liên tục; công tác phối hợp giữa các cấp chính quyền và địa phương trong quản lý, xử lý các vi phạm trật tự đô thị chưa thống nhất, đồng bộ.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: QUỐC HÙNG |
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường cho biết, nhằm triển khai thực hiện Chủ đề năm An toàn giao thông 2023 là “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”, UBND TPHCM yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể và các quận, huyện, TP Thủ Đức, các phường, xã, thị trấn xác định công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, kéo giảm tai nạn giao thông, giảm ùn tắc giao thông là một trong những nhiệm vụ trọng tâm phải tập trung, ưu tiên thực hiện.
Cụ thể, các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị triển khai thực hiện 100% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động không điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi đã uống rượu bia, không vi phạm liên quan đến chất kích thích; không can thiệp vào các vụ việc xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông của lực lượng chức năng; tích cực tuyên truyền, vận động gia đình và người thân chấp hành tốt các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Công an TPHCM chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật, ghi nhận và thông báo cho cơ quan quản lý đối với những trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang nhân dân vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông hoặc can thiệp, tác động đến công tác xử lý vi phạm của lực lượng chức năng.
Về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, khắc phục ùn tắc giao thông, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách về bảo đảm trật tự an toàn giao thông; lồng ghép mục tiêu an toàn giao thông, phòng chống ùn tắc giao thông trong các đề án, quy hoạch của TP. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị đi vào chiều sâu, đúng nội dung, đúng đối tượng, để mỗi người dân tự giác có ý thức chấp hành pháp luật về đảm bảo trật tự, chấn chỉnh, lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè; nhân rộng các mô hình tổ, nhóm nhân dân tự quản về trật tự lòng đường, vỉa hè và các mô hình hiệu quả khác; có biện pháp xử lý trách nhiệm phức tạp lấn chiếm trái của cá nhân phép lòng đường, vỉa hè…
Sở GTVT TPHCM đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để phát hiện và chế tài xử lý nghiêm hành vi vi phạm dừng, đỗ xe trái phép. Phối hợp các sở, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch giám sát, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện của các quận - huyện có tình hình phức tạp về trật tự lòng đường, vỉa hè hoặc có nhiều phản ánh qua báo đài và người dân để kịp thời chấn chỉnh, đưa vào nền nếp. Phối hợp Sở Nội vụ và các ngành chức năng kiến nghị xử lý trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu các cơ quan, đơn vị còn lơ là hoặc có biểu hiện tiêu cực trong công tác quản lý, để xảy ra phức tạp tình trạng lấn chiếm trái phép lòng đường, vỉa hè, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và mỹ quan đô thị.
Hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập, nhất là hệ thống dành cho người đi bộ. Ảnh: QUỐC HÙNG |
Trước đó, báo cáo tại hội nghị, Phó trưởng Ban ATGT TPHCM Nguyễn Thành Lợi cho biết, năm 2022, toàn TP xảy ra hơn 2.011 vụ tai nạn giao thông, làm chết 630 người và bị thương 1.321 người. So với cùng kỳ năm 2021, tăng 245 vụ (13,9%), tăng 156 người chết (132,9%) và tăng 279 người bị thương (26,8%).
Nhiều ý kiến cho rằng, tai nạn giao thông tăng do ý thức chấp hành pháp luật còn hạn chế, hạ tầng giao thông còn bất cập, kỹ năng điều khiển ô tô còn hạn chế, sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông…