Thất thoát trong xây dựng

Ai chịu trách nhiệm?

Ai chịu trách nhiệm?

Tuần qua, dân Hà Nội, kể cả dân thành phố Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác, nhất là dân đang sống ở các ngôi nhà chung cư cao tầng, lo lắng, bất an khi nghe tin vụ tham ô thép cọc nhồi tại công trình nhà A2 khu di dân giải phóng mặt bằng Kim Giang, Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội. Ngày 4-3, đã phát hiện thêm 20 chiếc cọc nhồi bị bớt xén gần 50% số thép. Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm Công an Hà Nội đã triệu tập 7 đối tượng liên quan để thẩm vấn. Đó là các cán bộ, nhân viên thuộc Tổ sắt, Đội 8, Công ty cổ phần Xây dựng số 1, dưới quyền Đội trưởng Hoàng Thanh Uyên.

Cơ quan bảo vệ pháp luật triệu tập ai, bắt tạm giam ai, phát hiện thêm sự cố gì nữa... chắc sẽ là câu chuyện còn dài chưa có hồi kết. Tuy nhiên, là một người quan tâm theo dõi thời cuộc tôi xin lạm bàn đôi điều.

Ai chịu trách nhiệm? ảnh 1

Chung cư Bình Trung Đông, quận 2 - một công trình có nhiều phản ánh về chất lượng . Ảnh: Đ.V.D.

Thứ nhất, bàn về chuyện giám sát: Có lẽ ngành xây dựng là một trong số ít ngành có quy định giám sát trong quá trình thi công. Quy định như vậy là rất cần thiết vì lẽ công trình xây dựng là một thực thể tồn tại lâu dài, nếu trong quá trình thi công có gì sai sót thì chỉ cần sau vài ngày sẽ rất khó khắc phục, hoặc khắc phục sẽ rất tốn kém, rất khó phát hiện những khiếm khuyết tiềm ẩn bên trong.

Đặc biệt những khiếm khuyết khi bộc lộ có thể gây ra thảm họa, nhất là các công trình công cộng (chung cư cao tầng, nhà hát, sân vận động... là những nơi tập trung đông người). Điều rất đáng bàn ở đây là vị trí pháp lý của cơ quan giám định phải chính danh, có uy tín trong nhiều năm hành nghề, có trụ sở ổn định (ở một số nước còn đòi hỏi phải được cầu chứng trước tòa), đằng này việc giám sát lại giao cho một nhóm theo hợp đồng thời vụ!

Thứ hai, bàn về chuyện giám định: Nếu giám sát là theo dõi hành vi, quy trình, thời gian, tiến độ các thao tác... nghĩa là mang tính chất quan sát trực quan bên ngoài thì giám định phải dùng kỹ năng, kinh nghiệm, hỗ trợ của phương tiện kỹ thuật để kiểm tra kết cấu, chất lượng ở bên trong nghĩa là đi vào bản chất, nội dung... Với đà phát triển của khoa học công nghệ, người làm công tác giám định được trang bị các thiết bị đo lường cho ra những kết quả khách quan định lượng được để kết luận cho quá trình giám định (như súng bắn bê tông, máy siêu âm...). Cách đây một năm, dư luận râm ran về chất lượng nhà tái định cư khu 72 ha Vĩnh Phúc (Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội); Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TPHCM), rồi ở Đà Nẵng... Theo ông Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng thì mọi chung cư cao tầng đều chưa được giám định chất lượng (Báo TN ngày 6-3-2005).

Thế là những người sống ở chung cư cao tầng khắp cả nước mang tâm trạng bất an, thấp thỏm như có trái bom nổ chậm dưới chân, có thể nổ bất kỳ lúc nào.

Thứ ba, bàn về chuyện chất lượng: Bất kỳ sự đo đạc, chế tạo, xây dựng... đều có một dung sai cho phép, nghĩa là muốn được công nhận, muốn được tồn tại thì không được vượt các ngưỡng (giới hạn) dung sai cho phép. Thậm chí trong những trường hợp đặc biệt không cho phép có dung sai. Đáng buồn là ông Cục trưởng Cục Giám định nhà nước chất lượng công trình xây dựng lại phát biểu rằng: “Theo kinh nghiệm và sự hiểu biết của tôi về cọc khoan nhồi, việc rút một nửa khối lượng thép không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cọc và cũng không gây nguy hiểm” (Báo LĐ 5-3).

Không biết phát biểu trên của vị chức sắc đầu ngành về chất lượng xây dựng có dẫn đến hệ lụy là phải... bỏ một số sách giáo khoa về kết cấu, sức bền vật liệu hay không !? Theo Luật Xây dựng và Nghị định hướng dẫn thi hành, đối với tất cả những công trình lớn (mà nếu xảy ra sự cố có thể gây ra thảm họa) thì phải thực hiện cơ chế kiểm tra và chứng nhận chất lượng phù hợp bởi những đơn vị có chuyên môn và có thẩm quyền chứng nhận nhưng hiện nay hầu hết các công trình loại này như nhà chung cư cao tầng, nhà hát, sân vận động... của ta đều chưa thực hiện. Khi thi công và giám sát bắt tay thì nguy cơ đưa đến thảm họa bất cứ lúc nào là chuyện hiển nhiên. Lúc đó ai sẽ chịu trách nhiệm?

  • Ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM: “Nhà nước sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự...”

Thời gian bảo hành một công trình xây dựng là 12 tháng nhưng thời gian bảo trì thì vĩnh viễn. Tuy nhiên bảo hành và chịu trách nhiệm hư hỏng vì sự cố là hai vấn đề khác nhau. Hết thời gian bảo hành, nếu công trình xây dựng gặp sự cố như bị sụp móng, hư hỏng do chất lượng thi công kém thì các đơn vị có liên quan như chủ đầu tư xây dựng, thiết kế phải chịu trách nhiệm. Trong đó, việc bảo trì nhà chung cư (NCC) được quy định tại Thông tư 05/2001/TT-BXD và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Ngoài ra, theo Nghị định 209/2004/NĐ-CP (ngày 16/12/2004) về quản lý chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng thống nhất quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trong phạm vi cả nước. Các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành phối hợp với Bộ Xây dựng trong việc quản lý chất lượng các công trình chuyên ngành. UBND cấp tỉnh, thành theo phân cấp có trách nhiệm quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trong phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý.

Riêng việc một công trình chung cư đưa vào sử dụng bị sự cố (chẳng hạn sau 10 năm bị sập nứt), trên nguyên tắc trách nhiệm vẫn thuộc về các đơn vị thiết kế thi công. Hiện nay, Luật Xây dựng chưa có giải pháp giải quyết trách nhiệm đối với những đơn vị thiết kế, thi công đã giải thể nếu công trình sử dụng gặp sự cố. Tuy nhiên, nếu gặp những trường hợp như thế thì Nhà nước sẽ truy cứu trách nhiệm theo luật dân sự hoặc chuyển cho Bộ Tư pháp giải quyết.

DIỆP VĂN SƠN - THẢO HUỲNH
(thực hiện)

Tin cùng chuyên mục