
Những ngày gần đây, đi đâu cũng thấy người ta bày bán những bài thơ, những câu đối nói về đạo đức con người, về công cha, nghĩa mẹ in trên giấy với nét chữ thật đẹp, thật nắn nót:
…Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc
Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không!
Những câu thơ này không biết có làm người ta chạnh lòng nhớ đến người mẹ đã khuất của mình hoặc giật mình khi nhận ra mình đã vô tình thờ ơ với đấng sinh thành đang còn tại thế? Riêng tôi, khi nghĩ đến những đứa con của người mẹ trong câu chuyện dưới đây, tôi lại muốn gửi đến họ bài thơ này như một bài học vỡ lòng về ơn nghĩa sinh thành…

Người mẹ ấy đã ngoài 70 tuổi (ảnh), thân hình tiều tụy, lê từng bước chân nặng nề trong căn chòi dột nát được che bằng những tấm áo mưa đã cũ, chung quanh là bãi đất trống tối om, không một bóng người qua lại.
Bà sống nhờ vào lòng tốt của bà con gần đó, thỉnh thoảng cho bà vài gói mì, vài ba bịch cháo. Có lần tôi đến thăm thấy bà nằm sóng soài trên nền gạch đá lởm chởm, đầu sưng và chảy máu, tôi vội đưa bà đi bệnh viện.
Bà cho biết, mấy ngày qua bà không có gì để ăn, lã người nên té ngã. Cách đây vài ngày, bà bị bỏng nước sôi ở ngực và chân, vết bỏng phồng rộp, bọng nước trông thật xót xa … nhưng vẫn không thấy bóng dáng một người con nào đến thăm.
Dù đã giúp bà có cơm ăn từng bữa nhưng vì điều kiện tôi không thể đến thăm bà mỗi ngày, tôi đề nghị thuê cho bà căn phòng nhỏ gần nhà để tiện cơm nước cho bà, nhưng bà ngập ngừng từ chối: “Cô cứ để tôi ở đây cũng được, thỉnh thoảng có vài đứa cháu nội chạy ngang qua, nhìn thấy chúng, tôi đỡ nhớ”.
Tấm lòng người mẹ, người bà dành cho con, cháu bao la như trời biển, vậy mà các con bà đành lòng bỏ mẹ sống trong cô đơn, lạnh lẽo, thiếu ăn và thiếu cả hơi ấm gia đình…
Qua tìm hiểu, tôi được biết, bà có 4 người con, hai người có nhà cửa đàng hoàng, có một người con trai của bà ở cách đó vài trăm mét. Nhắc đến các con, bà nói trong nước mắt: “Ước gì chúng nó còn thơ bé như ngày xưa để tôi được ôm ấp vào lòng, đã lâu lắm rồi tôi chưa được nghe lại hai tiếng: mẹ ơi”…
Nhớ lại có lần khi đến thăm các cụ già ở nhà nuôi người già Chánh Phú Hòa, tỉnh Bình Dương, hình ảnh một cụ bà ngồi lặng lẽ ở một góc nhà, tay ôm mấy con chó nhỏ, mắt thẩn thờ nhìn về phương xa làm tôi day dứt mãi đến tận bây giờ.
Câu chuyện về những đứa con của cụ làm người ta thấy chua xót trước sự bạc bẽo của những người con đối với đấng sinh thành. Cụ cũng có con cái, có nhà cửa đàng hoàng nhưng những đứa con không nghĩa tình luôn coi sự có mặt của cụ như một món đồ cũ kỹ, thừa thải trong chính căn nhà mà bà đã làm lụng cật lực để tạo ra trong suốt thời son trẻ của mình.
Chúng giở đủ trò với cụ và cấu xé lẫn nhau để giành giật căn nhà khiến bà buồn lòng bỏ đi lang thang, rồi tự khai là vô gia cư, không thân nhân để được đưa vào sống với những người cùng cảnh ngộ. Cứ tưởng cuộc sống tập thể làm nguôi nỗi buồn nhưng cứ đến độ năm hết Tết đến cụ nhớ con, cháu đến thẩn thờ, đành ôm mấy con chó con cho đỡ tủi…
Bây giờ mùa đông lạnh đã về, mùa xuân cũng sắp đến, nhà nhà đang chờ đón cái Tết đầm ấm sum vầy, không biết những người con ấy có bao giờ nghĩ đến người mẹ già đơn độc đang khao khát một chút hơi ấm gia đình?!
BÍCH PHƯỢNG