Ra Hà Nội lần nào, dù bận mấy tôi cũng gắng ghé thăm một người bạn là dân cầm cọ, từng tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật Hà Nội danh giá. Đơn giản là nhà anh có một góc vườn nho nhỏ không quá xa mà cũng không quá gần khu phố cổ, một nơi hiếm có để thả mình bồng bềnh giữa thiên nhiên, nghĩa là có chút không khí “lãng mạn” thư giãn đúng nghĩa, không phải quá bận tâm với những vụn vặt đời thường. Thú thật tôi cũng không mấy quan tâm đến đống tranh theo lối vẽ trừu tượng mà anh tạo ra vì ngặt nỗi bản thân tôi cũng không hiểu cái đám màu sặc sỡ được phết phẩy lên tấm toan đó nó có nghĩa gì. Thôi thì cứ thầm bảo nó là nghệ sĩ, mà là nghệ sĩ thì phải khác với người trần mắt thịt như mình, cả ngàn người mới có một người là nghệ sĩ cơ mà. Và đúng thật, cái gì ở anh cũng khác, cũng cứ ngồ ngộ. Hôm gặp mẫu vẽ của anh tôi cứ há hốc mồm… không biết phải chào anh hay chào chị: người mẫu gì mà cứ dài thòng, trước sau thẳng đuỗn như trong tranh của Mondigliani, đã thế hàm răng lại khấp khểnh, cái thò ra, cái thụt vào không có lề lối, trật tự chút nào… Đành chặc lưỡi thì nghệ sĩ mà, con mắt của nghệ sĩ nó khác mắt nhìn của người phàm tục.
Nhưng thời thế, thế thời đã khác hẳn. Trước đây, cả ngàn người mới có một người lập dị như ông bạn họa sĩ nói trên. Còn giờ thì ngược lại, có tới 999 ông bà nghệ sĩ trong tổng số 1.000 người, nhà nhà nghệ sĩ, người người nghệ sĩ. Trước ra đường gặp ai tóc dài, mắt mũi trợn ngược nhìn trời xanh thì chắc mẩm chí ít ông này cũng phải là nhà thơ, còn giờ thật khó phân biệt vì dù tóc vàng, tóc đỏ, tóc ngắn, hay không tóc , đều bị nghi ngờ là đang mần thơ hoặc theo đuổi ít nhất một mảng nào đó của nghệ thuật. Phải nói rằng danh xưng nghệ sĩ thời nay giống như các loại bằng cấp đang bị bão hòa, bị tầm thường hóa khiến nhiều nghệ sĩ đích thực… phải thốt lên “đừng gọi em là nghệ sĩ”. Khổ thế, chỉ cần xuất hiện trong một cuộc thi hát cỡ huyện là tức khắc bạn sẽ được gọi là ca sĩ, mới loạng choạng bước lên truyền hình là y như rằng người ta gán ngay danh hiệu nghệ sĩ được yêu thích, là người của công chúng… Đến như một anh chàng trồng ổi, một nốt nhạc bẻ đôi không biết cũng nổi như cồn trong giới thạo nhạc và còn nghe nói anh chàng này lại mới chuyển qua lãnh vực… làm phim ngắn bán cho các đài truyền hình. Cũng chung quy là tại chúng ta đã thần tượng hóa, dễ dãi hóa và nuông chiều quá mức những cái gọi là “ngôi sao” - tài ít, tật nhiều. Vụ nghệ sĩ Minh Béo phải ra hầu tòa ở Mỹ vì cáo buộc lạm dụng tình dục cho thấy ở xứ người dù là ai, dù nổi tiếng đến mấy cũng đều bình đẳng trước pháp luật, đều chịu trách nhiệm trước pháp luật. Còn ở ta, mặc dù bị khá nhiều tai tiếng và cả đơn tố cáo, nghệ sĩ Minh Béo vẫn bình chân như vại. Mà thực ra “nghệ sĩ” này cũng đâu có tiếng tăm gì để người ta nhớ trong các vở diễn, ngoại trừ vai trò MC trong chương trình “Lục lạc vàng”. Đúng là hết biết!
“Chiếc áo không làm nên thầy tu”, song ở ta chiếc áo lại làm nên thầy tu khi đẳng cấp “sao” trong giới showbiz được nhiều người phân định bằng các món đồ khoác lên người, càng nhiều hàng hiệu, hàng độc thì sao càng rực sáng, càng hái ra tiền. Hàng ngày, chúng ta đọc nhan nhản những loại tin “sao” này đi xế hộp 20 tỷ, sao kia diện váy trăm triệu, cái túi xách da cá sấu hiệu Hermes khoác hờ hững đó cũng ngót nghét 20 ngàn đô… Một điều khác - cũng hết biết luôn - là ngoài phụ kiện đeo trên người, cái đáng giá trong nghệ thuật đại chúng hiện nay lại là... tiêu chuẩn nhan sắc. Nó giống như một khoản đầu tư siêu lợi nhuận, có nhan sắc là có tất cả, có cả tình cả tiền cả tài và cả tâm luôn. Dẫn chứng là bộ phim “Vòng eo 56” mới công chiếu do Ngọc Trinh vừa đầu tư (nghe đâu 10 tỷ đồng) vừa thủ diễn. Có lẽ đây là bộ phim truyện duy nhất trên thế giới nói về cuộc đời một nhân vật có thật do chính người có thật này đóng vai chính. Bộ phim khá ăn khách, nhiều suất chiếu cháy vé vì người dân tò mò muốn biết con đường thoát nghèo, thoát thai trở thành một “nghệ sĩ” của một cô gái chân quê, ít học ra sao. Khoan nói đến giá trị nghệ thuật của bộ phim ở mức nào, thông điệp của bộ phim khá rõ: sống chân thật, chăm chỉ và có nhan sắc chính là con đường ngắn nhất dẫn đến thành công trong cuộc đời. Nghĩa là cứ có nhan sắc, sống tử tế, đàng hoàng sẽ khắc có đại gia (dù có vợ hay chưa có vợ) tìm đến bạn, giúp cho bạn cả về vật chất lẫn tinh thần. Đó là đổi đời, đổi vận nhờ nhan sắc. Hết biết cũng như hết biết chuyện “nghệ sĩ” Bà Tưng mới tung ra cuốn tự truyện “Lạc giữa thanh xuân” để trình bày công thức: sự nổi tiếng = không mặc áo ngực + facebook và khuyên giới trẻ đừng có lầm lạc như vậy!
Dĩ nhiên sự nổi tiếng nào cũng có cái giá phải trả. Nhưng phải trả học phí như vậy trên con đường trở thành nghệ sĩ đúng nghĩa là không thể chấp nhận, vì hơn ai hết người nghệ sĩ là tấm gương rõ nhất cho lớp trẻ soi theo với trách nhiệm công dân, trách nhiệm trước công chúng…
BÍCH AN