
Kẹt xe đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân TPHCM từ nhiều năm nay, đặc biệt là trong những tháng gần đây khi mà lượng xe các loại tăng đột biến. Rất nhiều lời than phiền, thậm chí phê bình thẳng thắn đã được đưa ra: cơ quan chức năng thiếu tầm nhìn, trình độ hạn chế, ý thức tham gia giao thông của người dân kém… hầu hết là đúng. Thế nhưng, ra đến ngoài đường… mấy ai có được ý thức “làm một cái gì đó” để cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông của thành phố?

Phụ huynh đậu xe chờ con chiếm hết nửa phần đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q1. Ảnh: THANH TÂM
Trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, đoạn từ đường Nguyễn Hữu Cảnh đến đường Nguyễn Thị Minh Khai có đến 3 trường học và cứ khoảng 5 giờ chiều là xảy ra… ùn ứ giao thông vì phụ huynh dừng, đậu chờ con tràn xuống lòng đường. Rất nhiều người trong số đó cho biết “không thích bị kẹt xe chút nào” nhưng lại ngại “leo” lên lề đường trong thời gian chờ con. Nhiều thầy cô giáo cũng rất bức xúc trước nạn kẹt xe trước cổng trường nhưng nhiều trường có khoảng sân rộng lại chẳng chịu mở ra cho phụ huynh vào đón con, để cho lòng đường được thông thoáng.
Tại Trường THPT Nguyễn Thị Diệu trên đường Trần Quốc Toản, quận 3 cũng xảy ra tình trạng tương tự: sân trường rộng nhưng… vắng vẻ vì phụ huynh đậu xe đón con tràn hết hơn 1/2 lòng đường. Đã vậy, nơi này còn gần chợ Tân Định nên mỗi giờ tan học là xảy ra ùn ứ, thậm chí ùn tắc giao thông.
Mỗi lần xe lửa đi qua đường Nguyễn Kiệm là… kẹt xe. Ai bị mắc kẹt trong rừng xe ấy cũng nguyền rủa… kẹt xe nhưng giá như mỗi người trong số họ có ý thức dừng chờ xe lửa đúng làn đường quy định để khi xe lửa qua, dòng xe đối diện có đường đi thì đã không có ùn tắc giao thông.
Nhiều người có thể ăn nhậu tiêu tốn hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng triệu đồng cho một bữa nhậu nhưng khi được hỏi đóng khoảng 1.000 đồng/ngày cho việc sử dụng xe cá nhân thì lại đắn đo, phản đối.
Họ có thể đúng khi nghi ngờ hiệu quả của việc sử dụng đồng tiền này bởi thời gian qua đã có nhiều dự án giao thông sử dụng tiền lãng phí. Thế nhưng, đó lại là 2 vấn đề khác nhau. Bất cứ sai phạm nào cũng sẽ bị xử lý nhưng trách nhiệm của công dân là phải làm một điều gì đó cho cộng đồng. Cũng có những người, trước bất kỳ phương án chống ùn tắc giao thông nào cũng… chửi mà chẳng hề nghĩ được một giải pháp nào khả thi hơn…
Hãy thắp lên một ngọn lửa còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối - Một triết gia đã nói như vậy.
NGUYỄN KHOA - THANH TÂM