Ai quản lý môi trường?

Ai quản lý môi trường?

Ngày 27-12, tại TPHCM, Trung tâm Con người và Thiên nhiên, Viện Khoa học Môi trường - Phát triển, tổ chức hội thảo “Bảo vệ môi trường (BVMT) trong hệ thống các khu công nghiệp (KCN) ở Việt Nam: Các lỗ hổng chính sách, vấn đề minh bạch thông tin và các tác động đối với môi trường”. Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý cho rằng, tình trạng ô nhiễm môi trường ở các KCN đang ở mức báo động. Tuy nhiên, chính sách quản lý pháp luật về môi trường lại còn có quá nhiều lỗ hổng.

        42% nước thải xả thẳng ra môi trường

PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Viện Kỹ thuật Nhiệt đới và Bảo vệ môi trường, cho biết, ước tính tổng lượng nước thải phát sinh từ 179 KCN đang hoạt động khoảng 622.773m3. Trong đó, lượng nước thải đã qua xử lý khoảng 362.450m3, còn lại 42% không được xử lý và xả thẳng ra nguồn nước. Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí, ô nhiễm môi trường đất xung quanh các KCN, cụm công nghiệp (CCN) cũng rất đáng báo động.

Theo thông tin từ GS-TS Võ Thanh Thu, Trường Đại học Kinh tế TPHCM, hiện vẫn còn khoảng 75% KCN và 85% CCN ở khu vực ĐBSCL chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung hoặc có xử lý nhưng nước thải chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định. Trong khi đó, theo số liệu thống kê của Bộ TN-MT, tỷ lệ các KCN có trạm xử lý nước thải tập trung chỉ chiếm 66%. Nhiều KCN chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải cục bộ hoặc có nhưng không vận hành hay vận hành không hiệu quả hoặc xuống cấp.

        “Lỗ hổng” về chính sách

Theo PGS-TS Phùng Chí Sỹ, trong những năm qua Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật và các cơ chế, chính sách về quản lý môi trường các KCN, CCN như Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định 88/2007/NĐ-CP về thoát nước đô thị và KCN… Tuy nhiên, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về BVMT các KCN, CCN vẫn thiếu hoặc chưa đồng bộ, một số văn bản thiếu tính liên kết, chưa phù hợp với tính đặc thù của loại hình hoạt động này nên phần nào đã gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong quá trình thanh tra, kiểm tra cũng như các cơ sở sản xuất trong quá trình triển khai và tổ chức thực hiện.

Đường ống xả nước thải trực tiếp ra sông của Công ty thuộc da Hào Dương thuộc KCN Hiệp Phước. Ảnh: Thành Đồng

Đường ống xả nước thải trực tiếp ra sông của Công ty thuộc da Hào Dương thuộc KCN Hiệp Phước. Ảnh: Thành Đồng

Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông An Nam Sơn, Trưởng phòng Quản lý môi trường, Ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Thuận cho rằng, hiện nay về quy hoạch các KCN, Chính phủ phê duyệt quy hoạch dựa trên đề xuất của các địa phương; trong khi đó, vì muốn thu hút đầu tư KCN để phát triển kinh tế - xã hội nên các tỉnh, thành bằng mọi giá đề xuất xây dựng KCN nhưng không hoạch định chính sách thu hút ngành nghề đầu tư ngay từ đầu, cũng như không tính đến yếu tố tác động môi trường. Ngoài ra, hiện nay quy hoạch phân vùng và quy hoạch chi tiết, quy hoạch các dịch vụ đi kèm với các KCN còn hạn chế. “Quy hoạch trong vùng trũng, bị áp thấp nhiệt đới nên khi phát thải ra không thoát được nên gây ô nhiễm môi trường là đương nhiên” - ông Sơn đặt vấn đề. Còn ông Cao Tiến Sỹ, Phó ban Quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai nêu bất cập, hiện nay trong KCN có nhiều đơn vị quản lý nhưng đơn vị đầu mối là ai để quản lý, tích hợp thông tin để tìm ra lỗi vi phạm môi trường nhằm chấn chỉnh kịp thời thì không quy định rõ.

Là người tham gia giải quyết khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến vấn đề ô nhiễm ở các KCN, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM ví von: “Trong vấn đề môi trường ai cũng hiểu nhưng có một điều mọi người không hiểu là công tác quản lý môi trường và pháp luật liên quan đến quản lý môi trường”. Để chứng minh cho vấn đề này, luật sư Hậu đưa dẫn chứng vụ Công ty cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam xả thải sai quy định tại lưu vực sông Thị Vải gây ô nhiễm, thiệt hại cho các hộ dân ở Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, TPHCM. Theo luật sư Hậu, để chứng minh thiệt hại do đơn vị này gây ra phải mất 3 năm do các thông tin không được công khai minh bạch. Đó là chưa kể, quy định hiện nay không cho phép khởi kiện tập thể, thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 2 năm kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm là quá ngắn, gây khó khăn cho công tác thu thập thông tin chứng minh các vi phạm. Đây là điều kiện cho các đơn vị vi phạm về môi trường cố tình kéo dài thời gian thương lượng để tránh bị khởi kiện. Ngoài ra, theo quy định việc lấy mẫu xác định thiệt hại nếu không có văn bản của UBND tỉnh thì cũng chào thua; trong khi vấn đề này khi được đề nghị hỗ trợ thì thường chỉ nhận được sự im lặng từ phía cơ quan chính quyền.

Theo các chuyên gia, nhà khoa học, để vấn đề BVMT ở các KCN, CCN đạt được hiệu quả cao, nhà nước cần rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện văn bản pháp luật liên quan đến quản lý môi trường các KCN, CCN và các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Hoàn thiện hệ thống tổ chức, phân công, phân nhiệm quản lý môi trường KCN, CCN ở trung ương và địa phương. Tăng cường thanh tra, kiểm tra môi trường KCN, CCN. Tuyên truyền, tập huấn, giáo dục và nâng cao nhận thức về BVMT ở các KCN, CCN. Cần xem xét lại vấn đề quy hoạch các KCN, CCN nhất là vấn đề địa điểm xây dựng. Khuyến khích thu hút các dự án công nghệ cao, dự án xanh thân thiện với môi trường. Cần phải đưa ra tiêu chuẩn vùng và phải có hệ thống pháp lý quản lý vùng.

ĐÌNH LÝ

Tin cùng chuyên mục