
Vào lúc 10g20 sáng ngày 27.4.2004, chiếc máy bay khổng lồ hai tầng Airbus A380, dài 73 mét, sải cánh 80 mét và nặng 308 tấn (chỉ mang theo 22 tấn nhiên liệu cho chuyến bay đầu tiên kéo dài 4 tiếng được thực hiện bởi tổ lái sáu người) đã cất mình lên khỏi đường băng ở Sân bay Blagnac, thành phố Toulouse, miền Nam nước Pháp.
- Giờ phút lịch sử của Airbus

A380 cất cánh
Đối với hàng ngàn người vây quanh ngoại vi sân bay thì họ đã được tận mắt chứng kiến một sự kiện độc nhất, vô nhị kể từ sau chuyến bay đầu tiên của loài người, thực hiện bởi anh em nhà Wright cách nay đã 101 năm. Nhiều người trong số này đã “cắm trại” tại đây từ nhiều ngày qua chỉ để chứng kiến cảnh tượng lịch sử này. Giới chuyên ngành xem đây là sự kiện lớn nhất của ngành hàng không dân dụng châu Âu kể từ sau lần bay thử đầu tiên của chiếc máy bay siêu thanh Concorde vào năm 1969. Phi công trưởng thử nghiệm của Airbus Jacques Rosay và cơ trưởng Claude Lelaie và 4 thành viên phi hành đoàn đều mặc đồ bay màu cam và đeo dù để dự phòng nếu có sự cố thì họ sẽ lần theo một dây dẫn máng trên trần dẫn từ buồng lái đến cửa thoát hiểm mà nhẩy ra tránh nạn.
Chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của A380 đã thành công, đánh dấu một cột mốc mới trong lịch sử vận chuyển hàng không dân sự thế giới. Đặc biệt đây là tin vui mà Airbus đã chờ đợi từ lâu vì A380 là một dự án khai sinh trên giấy vẽ từ cách nay 11 năm và đã tốn kém cho nhà sản xuất hơn 13 tỷ USD.
Chiếc A380 có giá niêm yết là 282 triệu USD nay đã bán được 154 chiếc cho hơn chục hãng hàng không quốc tế. Hãng Hàng không Trung Quốc Phương Nam là khách hàng mới nhất đặt mua 5 chiếc. Singapore Airlines sẽ là hãng đầu tiên đưa loại máy bay khổng lồ hai tầng có khả năng chở 555 hành khách bay xa 15.000 km này vào hoạt động, dự kiến là từ nửa sau của năm 2006.

Phi hành đoàn đầu tiên lái thử Airbus A380.
Airbus không thể không lo vì đã đặt vào dự án A380 này không dưới 12 tỷ USD. Nếu con chim sắt này cất cánh tốt có nghĩa là tương lai của Airbus còn được đảm bảo thêm nhiều chục năm nữa. Khi lập kế hoạch sản xuất A380 cách nay gần 10 năm, Airbus dự trù phải bán được 200 chiếc mới hòa vốn. Tuy nhiên, với trị giá đồng USD thua hẳn đồng euro như hiện nay, Airbus phải bán được khoảng 250 chiếc mới hòa vốn đầu tư nghiên cứu và phát triển.
Một thực tế quan trọng hơn khiến Airbus không thể không lo là đối thủ nặng ký Boeing đang cố hết sức giành lại vị trí nhà sản xuất máy bay dân dụng số một thế giới mà Airbus đã chiếm của họ trong hai năm 2003 và 2004. Boeing đang triển khai dự án máy bay mới 100% là loại 787 Dreamliner (tranh khách hàng với loại A330 và A340 của Airbus) nay đã bán được hơn 200 chiếc (trung tuần tháng 4 qua, hãng Korean Air đặt mua 10 chiếc; gần cuối tháng 4, Canada Air đặt mua 14 chiếc) và dự án trẻ hóa, hiện đại hóa chiếc 747-400 thành loại 747 Advanced dài hơn, to hơn, chở nhiều hành khách hơn và bay xa hơn để cạnh tranh với A380 của Airbus.
- Cuộc chiến chưa ngã ngũ
Còn một điều tối quan trọng liên quan đến sự thành công bền lâu của Airbus nhưng lại chưa rõ phần kết, đó là việc Airbus có thể sẽ không còn được hưởng trợ cấp từ các chính phủ để nghiên cứu phát triển các loại máy bay mới nữa.
Ngày 11-4, hạn chót thời gian 90 ngày mà EU và Mỹ dành cho việc thương thảo giải quyết êm xuôi tranh cãi liên quan đến chế độ trợ cấp tài chính nghiên cứu phát triển máy bay mà Airbus và Boeing tố cáo nhau đã qua đi nhưng giằng co giữa hai bên vẫn chưa ngã ngũ.
EU cho rằng, Boeing đã hưởng 27 tỷ USD tiền trợ cấp “không hợp pháp” từ chính phủ liên bang Mỹ còn Washington thì cho rằng Airbus đã phát triển nhiều loại máy bay mới nhờ được trợ cấp 15 tỷ USD từ các chính phủ Anh, Pháp, Đức và Tây Ban Nha. Cuộc chiến Airbus - Boeing đang hứa hẹn nhiều điều gay cấn.
VÂN ANH (tổng hợp)