Hàng loạt dự án bất động trên đất vàng, không chỉ những dự án nhỏ lẻ mà cả những dự án có vị trí vàng hay kim cương, rồi chủ đầu tư các dự án này là những ông lớn cũng bỏ cuộc… Vì sao?
Tháo chạy
Các dự án ngưng trệ trong khu đất vàng trung tâm TPHCM, có nhiều trường hợp đã thoái vốn hoặc chuyển nhượng toàn bộ, đó cũng là nguyên nhân chậm triển khai.
Khu đất rộng trên 5.000m2 tại 27B Nguyễn Đình Chiểu (quận 1) trước đây do Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (VNA) quản lý, khai thác. Năm 1994, VNA và S.M.I. Travel Company Limited (Thái Lan) thành lập Công ty liên doanh TNHH Khách sạn Hàng không Việt Nam, triển khai khách sạn 4 sao đạt chuẩn quốc tế. Cuối năm 2000, S.M.I. Travel Company Limited rút vốn và chuyển nhượng phần vốn góp cho VNA. Đến nay, khu đất trên kinh doanh cho thuê mặt bằng, bãi đậu xe, bán cà phê trong thời gian chờ khởi động lại dự án hoành tráng trước đó.
Khu đất “vàng” tại 117-119 đường Nguyễn Huệ (quận 1) hiện là bãi đậu xe
Một mảnh đất vị trí vàng khác đang nằm chờ, đó là dự án Saigon One Tower, có vị trí không thể đẹp hơn, tọa lạc tại số 34 đường Tôn Đức Thắng, giao với cuối đường Hàm Nghi, nối qua đường Võ Văn Kiệt, giáp với cầu Khánh Hội qua bến Nhà Rồng (quận 4). Dự án do Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn M&C làm chủ đầu tư, tọa lạc trên khu đất có diện tích 6.766m2, bao gồm một khối đế làm trung tâm thương mại dịch vụ cao 6 tầng, một khối văn phòng cao 34 tầng và 133 căn hộ cao cấp. Năm 2009, dự án khởi công xây dựng, dự kiến hoàn thành vào năm 2011. Giờ đây, công trình đã thi công cơ bản xong phần thô, bên ngoài lắp kiếng dở dang, hoang vắng... Sốt ruột cho mảnh đất quý, đầu năm ngoái, lãnh đạo UBND TPHCM đã yêu cầu các sở ngành làm việc với chủ đầu tư, cam kết tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thiện công trình đưa vào sử dụng vào cuối năm 2015. Nếu quá thời gian nêu trên mà dự án chưa hoàn thành, Sở Xây dựng báo cáo đề xuất trình UBND TP có biện pháp chế tài cụ thể theo đúng quy định pháp luật. Rồi sau đó, Sở Xây dựng cũng có văn bản báo cáo riêng về dự án, Thanh tra TP vào cuộc… Nay, tiến độ dự án vẫn “y vậy”! Nội tại dự án có sự đổi thay, đó là sự “tháo chạy” của cổ đông. Đại hội cổ đông thường niên năm 2016 của Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) - một cổ đông tham gia đầu tư - đã cho biết, năm 2015, PNJ hoàn tất việc thoái vốn khỏi Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn M&C, thu về 65,4 tỷ đồng.
Một khu đất vàng khác, nổi đình nổi đám vì “tai tiếng” một thời tại địa chỉ 43-45-47 Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1) lại… rao bán trên mạng. Từ cấp phép 3 tầng hầm, chủ đầu tư xây thêm 3 tầng trái phép nữa, làm sập đổ hai dãy nhà của Viện Khoa học xã hội, rồi sụt lún phần đất của Sở Ngoại vụ dẫn đến chủ đất vướng vòng lao lý. Từ đó đến nay, một phần hầm làm bãi đậu xe, phần còn lại làm quán nhậu. Trên một trang web buôn bán bất động sản vẫn còn ghi rõ, năm 2014 rao bán với giá 660 tỷ đồng, diện tích khu đất 2.216m2. Khi liên lạc, người đứng ra rao bán cho biết đã bán qua 2 đời chủ khác; người mua cuối cùng đang chờ vốn để xây tiếp công trình.
Khó khăn chồng chất?
Trong rất nhiều lý do, việc thiếu tiền dẫn đến dự án ngưng thi công là nguyên nhân khá phổ biến. Khu đất 181 Võ Thị Sáu (quận 3) do Công ty cổ phần Xây dựng và kinh doanh địa ốc 3 làm chủ đầu tư, giấy phép xây dựng cấp từ năm 2005. Theo lý giải của chủ đầu tư, việc chậm thực hiện là khó khăn về tài chính. Khu đất 136 Lý Chính Thắng (quận 3) do Công ty cổ phần Dược phẩm 2-9 làm chủ đầu tư, cấp giấy phép xây dựng vào năm 2011, nguyên nhân chậm thực hiện là kinh tế suy giảm, đơn vị khó khăn trong việc đầu tư; khuôn viên đang làm bãi giữ xe. Một khu đất khác, có vị trí cực kỳ đặc biệt và cũng rơi vào trường hợp đặc biệt là 11D Thi Sách (phường Bến Nghé, quận 1), được cấp phép xây dựng gần 20 năm, từ năm 1996, do Công ty liên doanh Trung tâm thương mại và căn hộ Sài Gòn làm chủ đầu tư. Năm 2005, chủ đầu bắt đầu tiến hành xây dựng, dự kiến bàn giao vào năm 2006. Rồi tới nay, công trình dang dở lúp xúp trên mặt đất, mới xong phần tầng hầm, lửng, còn phần trệt làm bãi giữ xe. Theo Sở Xây dựng, dự án chậm triển khai là do Công ty Phương Gia Phú không đủ năng lực thực hiện, đang chờ thành phố cho chuyển sang chủ đầu tư mới là Công ty TNHH phát triển dự án Ánh Dương…
Cho dù lý do gì đi nữa, việc đất “vàng”, đất “kim cương” ở trung tâm thành phố lớn nhất nước bị bỏ trống, xây dựng dang dở là điều rất lãng phí. Sự chỉ đạo mới đây của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa đã thể hiện quyết tâm siết chặt quản lý nhà nước. Đối với dự án dang dở, nếu làm chậm sẽ bị phạt vi phạm hành chính, chắc chắn chủ đầu tư những dự án kiểu này sẽ bị nhiều áp lực. Các dự án đã cấp giấy phép xây dựng nhưng hết hiệu lực, khi tiến hành xây dựng sẽ phải thực hiện lại thủ tục. Đặc biệt, khi cấp phép thành phố sẽ tính lại “các chỉ tiêu kiến trúc quy hoạch đối với các công trình xây dựng trong ô phố để đảm bảo phù hợp quy chế khu 930ha và không làm tăng áp lực lên hạ tầng kỹ thuật của khu vực”. Rõ ràng đây là bài toán rất khó, bởi cách tính mới sẽ dẫn đến hiệu quả sử dụng đất thấp hơn!
Khó khăn về tài chính, khó khăn đầu ra, nay lại phải thực hiện theo quy định mới, nhưng có lẽ đây là liều thuốc hết sức cần thiết, “đủ đô” để làm bật nhà đầu tư thoát khỏi “giấc ngủ” trên đất vàng...
LƯƠNG THIỆN