Trong căn nhà tình thương rộng rãi của bà Nguyễn Thị Thuận (133A Hòa Hiệp, xã Long Hòa, huyện Cần Giờ), vì không có nhiều vật dụng, chỉ có 3 nhân khẩu nhưng đều là những mảnh đời bất hạnh.
Bản thân bà già yếu mất sức lao động, chồng thì tàn tật không làm được việc gì, con trai cũng tàn tật nhưng lại là lao động chính trong nhà. Cả ba sống nhờ trợ cấp xã hội (2 suất, mỗi suất 240.000 đồng), nhờ chính quyền xã cưu mang và nhờ hàng xóm ai cho gì lấy cái đó. Việc cầm sổ hộ nghèo để trang trải nhu cầu của gia đình, với bà Thuận, là chuyện khá thường xuyên! Niềm vui thể hiện rõ trên gương mặt đầy vết chân chim của bà Thuận khi nhận suất quà tết (tiền và quà) diện hộ nghèo và nhận thêm 1 triệu đồng từ Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải tặng riêng và bà càng vui hơn khi được đích thân đồng chí lãnh đạo cao nhất của TP chỉ đạo xã, huyện và Sở LĐTB-XH giải quyết linh động cho trường hợp của bà được tăng suất trợ cấp hàng tháng.
Bà Thuận chỉ là 1 trong số hơn 100.000 người diện đặc biệt khó khăn, bất hạnh đang được thụ hưởng chính sách hỗ trợ hàng tháng trên địa bàn TPHCM. Tính chung trên toàn TP, số hộ nghèo có thu nhập dưới 12 triệu đồng/năm vẫn còn đến 45.000 hộ - một con số không hề nhỏ! Hiện nay nhiều nơi như quận 1, 5, 8, 10… đã và đang triển khai mạnh chương trình cưu mang, đỡ đầu cho hộ nghèo hàng tháng (từng cá nhân, doanh nghiệp, đảng viên nhận đỡ đầu trực tiếp cho từng hộ nghèo với thời gian dài).
Chương trình này có ý nghĩa nhân văn rất đặc biệt. Khoản tiền cưu mang, đỡ đầu đó không dừng lại ở giá trị vật chất của nó. Giá trị của sự giúp đỡ được nhân lên hàng vạn lần ở giá trị tinh thần đối với người được giúp đỡ, xây dựng niềm tin và tác dụng giáo dục đối với cả cộng đồng.
Nếu TP xây dựng thành một phong trào xã hội mà trong đó người giúp người trong từng hoàn cảnh cụ thể, từ đó tạo ra một hiệu ứng đạo đức và tinh thần trong xã hội, một sự đoàn kết cộng đồng.
Hồng Hiệp