Bước qua “tuổi thứ 10” chia tách từ Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang đã có một diện mạo mới cho vùng nông thôn, hình thành nhiều đô thị hòa mình vào dòng phát triển của ĐBSCL. Những thành tựu trên là dấu ấn giàu “mạch sống” của người Hậu Giang gắn bó với đồng ruộng.
“Thế đứng” nông dân
“Nông dân ngày nay đã đứng nhiều hơn khom lưng trong nghề trồng lúa”, lão nông Lâm Ngọc Quang (Bảy Quý) ở Hậu Giang, sắp bước vào tuổi “thất thập cổ lai hy”, nói một cách ví von. Theo ông Bảy Quý, cái “thế đứng” của nông dân ở đây chính là ngay trong cấy dặm, nông dân vẫn dùng cào, mốc lúa đứng cấy dặm chứ không phải khom lưng như ngày xưa. Và hình ảnh nông dân khom lưng gặt lúa cũng thưa dần, thay vào đó là hình ảnh những “con trâu sắt đỏ” - máy gặt đập liên hợp đảm trách khâu thu hoạch trên đồng lúa.
Lão nông Bảy Quý là một trong những “đại cử tri” đại diện cho nông dân xuất hiện ở một số kỳ họp HĐND tỉnh Hậu Giang để nói lên những trăn trở của nông dân. Với hơn 50 năm ra đồng và gần 20 năm trong nghề sản xuất giống, ông Bảy Quý là một trong số 50 nông dân từ 34 tỉnh, thành trong cả nước được tôn vinh và nhận bằng khen của Bộ NN-PTNT về “Nông dân sáng tạo - sản xuất lúa giỏi” tại Festival Lúa gạo Việt Nam lần đầu tiên tổ chức tại Hậu Giang hồi năm 2009. Họ là những nông dân “nòi”, tuy học vấn không cao, nhưng đã có sáng kiến hữu ích trong sản xuất nông nghiệp, tạo nên kỳ tích cho lúa gạo Việt Nam. Dấu ấn của ông Bảy Quý là sản xuất, cung ứng cho nông dân hơn 3.500 tấn lúa giống chất lượng cao. Lướt qua thành tích của ông Bảy Quý, hẳn nhiều nông dân “mắc thèm”: Gần 20 bằng khen từ nhiều cấp khác nhau. Trong đó, tấm bằng khen năm 2007 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi rõ: “Đã có thành tích trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi từ năm 2003 - 2007, góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc” được ông treo trang trọng trong nhà. Những nông dân như ông Bảy Quý đã góp nên kỳ tích vựa lúa ĐBSCL vượt mốc 25 triệu tấn trong năm 2014, minh chứng cho buổi “giao thời” của nông dân chuyên nghiệp, một khái niệm sẽ được sử dụng nhiều trong quá trình tái cơ cấu nền nông nghiệp Việt Nam!
Thi cắt lúa bằng liềm và đạp lúa tại lễ hội nông nghiệp Hậu Giang.
Tết ở vùng sâu
Năm 2014 khép lại, ngành nông nghiệp Hậu Giang đã tạo được điểm nhấn khi dẫn đầu sự tăng trưởng trong khu vực. Ấn tượng hơn, trong bối cảnh giá lúa bấp bênh, lần đầu tiên ngành nông nghiệp Hậu Giang đã tổ chức lễ hội Ngày mùa trên cánh đồng mẫu để tri ân những đóng góp của nông dân. Lễ hội Ngày mùa được tổ chức ven tuyến đường nối Vị Thanh - Cần Thơ, thuộc địa phận xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy. Tuyến đường này được mệnh danh “con đường nông nghiệp” của tỉnh. Lễ hội đã tôn vinh 20 nông dân đã có đóng góp trong sản xuất lúa tại xã Vị Thanh, cũng là nơi thực hiện cánh đồng mẫu. Ông Lê Nam Giới, nguyên Bí thư Thành ủy thành phố Cần Thơ, khi về lại Hậu Giang đã gợi ý: Lãnh đạo tỉnh nên “chăm bón, khắc họa” cho con đường nông nghiệp này. Thậm chí nên kết hợp sản xuất nông nghiệp với du lịch! Lão nông Ngô Văn Khá ở xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy tâm sự: “Gần 40 năm trong nghề trồng lúa, được tham dự lễ hội ngày mùa vui thật. Cuộc đời tôi đã từng cầm phản, cù nèo, vòng gặt nếm đủ ngọt - đắng của nông dân trồng lúa qua nhiều giai đoạn, nhất là cảnh “được mùa, mất giá”. Giờ thấy bờ bao thủy lợi, trạm bơm điện, máy gặt đập liên hợp (GĐLH) xuất hiện trên đồng ruộng thật phấn chấn. Các công ty mua lúa với giá hợp lý cũng mừng. Nhưng tôi khoái nhất là chuyện “3 cùng” của cán bộ kỹ thuật nông nghiệp: “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nông dân”. Theo ông khá, khi có trạm bơm điện nông dân điều tiết nước hợp lý, tăng năng suất lúa và tiết kiệm được chi phí bơm tưới. Máy GĐLH đã giúp nông dân giảm thất thoát sau thu hoạch. Sự xuất hiện, ra quân cắt lúa đông - xuân của hàng chục máy GĐLH tại lễ hội Ngày mùa cũng là mốc đánh dấu cho sự thành công của 100 máy GĐLH - tỉnh hỗ trợ vốn vay cho nông dân trong chương trình cơ giới hóa!
Trước thềm Tết Ất Mùi, hàng ngàn người dân Hậu Giang đón xuân trong niềm phấn khích khi lãnh đạo tỉnh, huyện về vùng sâu, vùng căn cứ kháng chiến ăn tết với dân. Nhiều người dân thuộc diện nghèo đón tết cổ truyền trong căn nhà mới, càng ấm lòng hơn khi được lãnh đạo địa phương đến trao quà, động viên tìm cách làm ăn sao cho có hiệu quả. Hơn 100.000 phần quà tết đã được các ngành, tổ chức xã hội ở Hậu Giang trao cho các gia đình diện chính sách. Đây là nỗ lực rất lớn của địa phương nhằm “Không để một gia đình chính sách, gia đình nghèo, cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang trên địa bàn vì nghèo mà không thể đón tết” - như lời chia sẻ của Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trần Công Chánh.
CAO PHONG