Ăn cây nhà lá vườn để bảo vệ môi trường

Ăn cây nhà lá vườn để bảo vệ môi trường

Từ một năm nay, cô giáo dạy múa Leda Meredith không còn ăn cam, chuối hay trái bơ. Cô cũng đưa gạo, sô cô la, đường... ra khỏi danh sách thực phẩm của mình. Lý do là những thực phẩm ấy không “mọc” ở vùng New York (Mỹ). Meredith chỉ dùng những thứ được sản xuất trong vùng bán kính 400km quanh quận Brooklyn của cô mà thôi...

Không đi quá... một bình xăng

Ăn cây nhà lá vườn để bảo vệ môi trường ảnh 1

Ngày càng nhiều người Mỹ lựa chọn nông sản địa phương.

Meredith chính là điển hình của “locavore” (người chỉ dùng thực phẩm sản xuất ngay tại địa phương mình sống), muốn góp phần hạn chế sinh ra khí thải làm hại môi trường. Phong trào này bắt nguồn từ thành phố San Francisco năm 2005. Có 4 cô bạn gái tự đặt cho mình một thách thức: Trong 1 tháng, chỉ ăn các loại thức ăn mùa vụ và phải là sản phẩm của địa phương. Điều này chẳng có gì mới, chưa đầy 100 năm trước, người ta vẫn sinh sống chủ yếu nhờ các sản phẩm địa phương.

Thế mà giờ đây, ngay cả một thứ thực phẩm bình thường nhất cũng đi từ 2.400-4.800km từ nơi sản xuất tới bàn ăn của người Mỹ. Khoảng cách này đã tăng thêm 25% kể từ năm 1980 và còn tiếp tục tăng. Chính việc chuyên chở đó đã làm tăng đáng kể lượng khí thải.

Hiện nay, ở các nước đều có phong trào tiêu dùng sản phẩm địa phương. Dù là để ủng hộ nông nghiệp địa phương, lo lắng về việc trái đất ấm lên, vì sợ bệnh béo phì, hay đơn giản chỉ muốn thưởng thức dâu tươi vừa hái..., ngày càng nhiều người Mỹ giảm mua hàng trong siêu thị. Họ lên mạng thông tin cho nhau về các địa chỉ bán sản phẩm địa phương, trao đổi với nhau các công thức làm món ăn... Một trong những nhà ăn của Hãng Google nổi tiếng khi chỉ chế biến các nông sản được mua trong vòng 240km, tức còn “ngặt” hơn tiêu chí 400km (tương đương khoảng cách đi được với một bình xăng xe hơi) của Meredith.

Không mua được thì... tự trồng

“Locavore” là từ ghép của “local” (địa phương) và “vorous” (ăn), thành từ mới nghĩa là “người chỉ mua thực phẩm ở gần nhà”. Năm 2007, “locavore” đã được đưa vào tự điển “New Oxford American” và trở thành “từ của năm 2007” theo bình chọn của ban biên tập tự điển này.

Nếu những “locavore” California có thể dễ dàng mua được nông sản địa phương vốn rất phong phú thì ở New York việc này có phần phức tạp hơn, nhất là vào mùa đông. Để bổ sung những thứ không có ở chợ, Meredith còn tự trồng rau, làm mứt quả hay chế biến rau củ trữ trong lọ dành cho cả mùa đông. “Tất cả việc đó tôi đều phải học vì tôi đã không lớn lên trong một nông trại”, cô nói và cho biết, nhiều lúc cần thêm một chút sáng tạo, như khi làm bánh ga tô thì thay đường bằng xi rô từ cây phong (ngọt như mạch nha), hay thêm hương vị cho món ăn bằng các loại rau thơm địa phương thay các gia vị công nghiệp quen mua ở siêu thị... Sau đó, Meredith đã chịu khó làm một cuộc “thám hiểm” các khu chợ ngoài trời của thành phố New York và ngạc nhiên phát hiện rằng, cô có thể mua ở đó các loại rau, thịt, rượu vang... sản xuất từ nhiều nông trại ở ngoại ô New York.

Dẫu sao, khó có thể sống 100% bằng sản phẩm địa phương (nên mới sinh ra thương mại), bởi ngoài quyết tâm, người dùng nông sản địa phương cần phải có nhiều thời gian và thêm chút tiền bạc nữa. Meredith kể: “Hồi tháng 4, sau 5 tháng ăn khoai tây và bắp cải chế biến đủ kiểu, tôi mừng tới mức muốn nhảy múa khi trông thấy những trái dâu tươi đầu mùa”. Có “locavore” như cặp vợ chồng nhà báo J.B. MacKinnon và Alisa Smith, sống ở Vancouver (Canada), nơi có khí hậu khắc nghiệt hơn, còn kể lại những kinh nghiệm của mình trong cuốn “Chế độ ăn 100 dặm” (ý nói chỉ mua thức ăn trong vòng 100 dặm, tức khoảng 160km)... .

NHỊ BÌNH (theo Le Point)

Tin cùng chuyên mục