An cư cho người di cư

Trên địa bàn tỉnh Bình Phước có nhiều hộ dân từ nhiều nơi khác đến lập nghiệp, cuộc sống những ngày đầu hết sức khó khăn. Bằng nỗ lực vươn lên, cùng sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, khi được cấp đất, cấp nhà, người dân đã ổn định cuộc sống. 

Bước qua cái nghèo

Khu tái định cư Tiểu khu 119 (thôn Hai Căn, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập) rộng 36,5ha, hiện đã bố trí cho 119 hộ, chủ yếu là người Việt từ Campuchia về và đồng bào thiểu số. Tại đây, những căn nhà kiên cố đã mọc lên, được bao quanh bởi các vườn điều xanh tốt, cùng những rẫy cao su bạt ngàn. 

Nhiều năm trước, vợ chồng ông Nguyễn Văn Kênh (68 tuổi) từ Biển Hồ (Campuchia) trở về xã Phước Minh (huyện Bù Gia Mập) dựng nhà bè trên lòng hồ Cần Đơn để nuôi cá. Cuộc sống chật vật, thiếu thốn, nên ông Kênh phải làm thêm nhiều việc khác như cạo mủ cao su, nhặt hạt điều thuê. Năm 2017, gia đình ông được chính quyền cấp mảnh đất rộng 400m2 cùng ngôi nhà 40m2 tại Tiểu khu 119 để ổn định chỗ ở. Ông nhanh trí mở một quán tạp hóa để kinh doanh, đến nay cho thu nhập ổn định.

“Có nhà cửa chắc chắn, giờ thì không lo lắng mỗi khi dông gió. Các cháu cũng được đến trường, không lo thất học. Nhà cũng đã sắm được các thiết bị nghe nhìn, điều mà trước đây trong cảnh chạy ăn từng bữa không dám mơ tới”, ông Kênh phấn khởi. 

An cư cho người di cư ảnh 1 Các hộ dân tại Tiểu khu 119 (xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập), nhận hạt điều về nhà để làm thêm, tăng thu nhập

Hoàn cảnh anh Nguyễn Văn Tấn (53 tuổi, quê Thái Bình) cũng tương tự, khi anh đưa gia đình về lòng hồ Cần Đơn làm lồng bè để nuôi cá lăng, nhưng vụ được, vụ mất. Ba năm trước, gia đình được cấp đất, cấp nhà tại khu tái định cư Tiểu khu 119. Có nơi ở ổn định, anh tập trung công sức hơn cho việc nuôi cá lồng bè, lại chăm chỉ tìm thêm nhiều việc khác để làm, có thêm thu nhập nên cuộc sống gia đình có phần dư dả hơn. 

Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Phú Nghĩa, sau nhiều  năm hình thành, đến nay khu tái định cư Tiểu khu 119 đã đông đúc với 480 nhân khẩu. Cuộc sống và kinh tế của người dân đã dần ổn định. Các hộ dân còn được tạo điều kiện học nghề để có thêm thu nhập, góp phần cùng địa phương thực hiện thành công phong trào xây dựng nông thôn mới. 

Hướng đến “lạc nghiệp” bền vững

Nằm sát biên giới, khu tái định cư ấp Cần Dực (xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh) được đầu tư xây dựng khang trang hơn 60 tỷ đồng, dành bố trí cho 60 hộ dân, chủ yếu là đồng bào Khmer. Dọc tuyến đường liên xã là các công trình dân sinh đang được xây dựng kết nối quốc lộ 13 và thông đến cửa khẩu Hoa Lư. Nhiều hộ đồng bào dân tộc Khmer tái định cư tại đây đang ăn nên làm ra.

Anh Lâm Ché (49 tuổi, người Khmer) kể: “Năm 2013, gia đình được cấp nhà trên diện tích đất được giao 1ha tại Khu tái định cư ấp Cần Dực. Tui đầu tư trồng 400 cây điều và nuôi 4 con bò. Hiện nay, mỗi năm thu nhập gia đình hơn 100 triệu đồng. “Trước đây không có đất sản xuất nên đi làm thuê, làm mướn kiếm ăn qua ngày. Giờ quên cái đói rồi, chỉ lo làm giàu thôi”, anh Lâm Ché hồ hởi. 

61 hộ dân đồng bào dân tộc S’Tiêng sống tại ấp Thạch Màng (xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú) từng nhiều năm không có đất sản xuất, người dân nay phát rẫy này trồng lúa, mai rong ruổi đến nơi khác mưu sinh. Từ khi được an cư trong khu tái định canh, định cư rộng 54,7ha với hệ thống giao thông, nước sạch, nhà sinh hoạt cộng đồng đầy đủ, các hộ dân đã yên tâm làm ăn.

Chị Thị He chia sẻ, từ khi về định cư, được các cán bộ hướng dẫn cạo mủ cao su, tiền công 5-6 triệu đồng/tháng và nuôi thêm bò nên cuộc sống kinh tế ổn định hơn. Không riêng chị Thị He, nhiều hộ đồng bào S’Tiêng từ khi được định cư đã không còn phá rừng, xâm canh trái phép, tranh chấp đất đai như trước; thay vào đó, họ nắm bắt kỹ thuật khoa học, chủ động chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và vươn lên làm giàu, thoát nghèo bền vững.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2025, Bình Phước sẽ bố trí chỗ ở ổn định cho 2.166 hộ dân di cư, trong đó bố trí tại chỗ cho 1.223 hộ. Tỉnh Bình Phước cũng đang kiến nghị Trung ương xem xét đầu tư 9 dự án tái định cư ở các huyện biên giới Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Gia Mập… Mục tiêu đến năm 2030, tỉnh ổn định cuộc sống của người dân di cư và đồng bào dân tộc thiểu số, hướng đến sản xuất bền vững.

Tin cùng chuyên mục