Chương trình cụm tuyến dân cư vượt lũ ở ĐBSCL
Ngày 10-4, tại Hậu Giang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì hội nghị tổng kết “Chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư và nhà ở vượt lũ ĐBSCL giai đoạn 2”, do Bộ Xây dựng phối hợp với UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức.
Đây được xem là một trong những chương trình thành công, tạo được an sinh xã hội hiệu quả cho người dân nghèo sống ở những vùng thường xuyên bị ngập lụt đe dọa.
Bài học từ “đòn lũ chí tử”
ĐBSCL đang bước vào mùa khô hạn khốc liệt. Nhưng chỉ vài tháng nữa thôi mùa mưa và lũ sẽ cùng lúc đổ về. Hơn 15 năm trước, hẳn nhiều người chưa quên khi lũ về hình ảnh người dân “di tản” lên tận TPHCM để mưu sinh. Đó là những hình ảnh nhức nhối của người nông dân được xem là sống ở “vựa lúa, vựa cá, vựa trái cây” của cả nước. Trận lũ trận lịch sử năm 2000 đã cướp đi sinh mạng của 539 người, nhấn chìm hơn 890.000 căn nhà, khoảng 10.000 căn bị sập hoàn toàn; các cơ sở như đường sá, trạm y tế, trường học bị thiệt hại nghiêm trọng. Trong đó, hơn 324.000ha lúa, thủy sản, cây ăn trái bị thiệt hại. Trận lũ năm đó là một đòn “chí tử” đánh vào ĐBSCL.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao bằng khen cho các địa phương làm tốt chương trình CTDC vượt lũ.
Nhưng cũng từ trận lũ lịch sử năm 2000, Chính phủ đã có quyết định bước ngoặt khi ban hành Quyết định 173/2001/QĐ-TTg ngày 6-11-2001 về phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL giai đoạn 2001 - 2005; Quyết định 1548/QĐ-TTg ngày 5-12-2001 về đầu tư tôn nền vượt lũ để xây dựng các cụm, tuyến dân cư (CTDC) vùng ngập sâu ở 8 tỉnh khu vực ĐBSCL… Trong giai đoạn 1 (2001 - 2008), 5.770 tỷ đồng đầu tư vào hơn 800 CTDC và bờ bao đã giải quyết chỗ ở 146.000 hộ dân. Sau đó, ngày 26-8-2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1151/QĐ-TTG phê duyệt bổ sung các dự án đầu tư (giai đoạn 2) để giải quyết thêm 56.000 hộ dân thuộc 7 tỉnh, thành phố (Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang và TP Cần Thơ). Đến nay, hơn 2.800 tỷ đồng đã được giải ngân để giải quyết chỗ ở cho gần 50.000 hộ dân sống ở những vùng nguy hiểm vào nơi an toàn. Như vậy, trong 15 năm qua, chương trình xây dựng CTDC và nhà ở vượt lũ ĐBSCL đã giải quyết chỗ ở cho khoảng 200.000 hộ dân ĐBSCL (tương đương 1 triệu người).
“Chương trình CTDC vượt lũ đã mang lại hiệu quả thiết thực. Hiệu quả trước mắt là tính mạng người dân được an toàn - nhất là trẻ em. Các địa phương đã tích lũy nhiều kinh nghiệm từ chọn địa điểm xây dựng CTDC, tạo điều kiện cho người dân mưu sinh. Từ đó, sự đồng thuận của người dân càng cao. Đây cũng là điều kiện để các địa phương kết nối các công trình xã hội, tạo điều kiện cho người dân sống và sản xuất tốt hơn. Vì vậy, đây là một chương trình mang đậm giá trị nhân văn” - ông Trần Công Chánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, chia sẻ.
Lắng nghe ý kiến dân để chung sống an toàn với lũ
Trong chương trình CTDC giai đoạn 1, nhiều địa phương chọn địa điểm xây dựng CTDC ở nơi khá hẻo lánh, một số người dân gặp khó khăn trong việc tìm sinh kế. Một số CTDC đầu tư chưa nghiên cứu sâu, thiết kế quá lớn, quá khả năng, không phù hợp với nguồn lực hiện có, gây khó khăn cho người dân.
Người dân huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, xây nhà ở cụm tuyến dân cư vượt lũ
Tuy nhiên, giai đoạn 2, các địa phương đã linh động chọn những địa điểm gần đường giao thông, khu vực thương mại đã tạo được sự đồng thuận cao của người dân khi di dời khỏi vùng lũ, vùng sạt lở nguy hiểm đến CTDC sinh sống. “Thực tế, nhiều CTDC vượt lũ có quy mô lớn, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đầy đủ. Khi người dân vào ở đã hình thành các thị tứ, thị trấn sầm uất; từng bước hình thành cuộc sống đô thị, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn ĐBSCL” - Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết.
Nhận định từ phía ngân hàng, người dân vay vốn cất nhà ở CTDC vượt lũ thực hiện nghĩa vụ trả nợ rất tốt. Nhiều người dân đã tham gia trả nợ trước hạn trong giai đoạn 2. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 25.868 hộ (tương đương 226,3 tỷ đồng) thuộc diện nghèo, cận nghèo chưa trả nợ trong giai đoạn 1. Nhiều địa phương và phía ngân hàng kiến nghị kéo dài thời gian trả nợ cho các hộ dân thêm 3 năm. Đề xuất này đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chấp thuận. Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý tiếp tục cho vay đối với 8.410 hộ dân nằm trong chương trình xây dựng nhà ở vượt lũ giai đoạn 2 (tương đương số vốn 168,2 tỷ đồng) đến hết năm 2015. Sau các trận lũ lụt hiện nay, ĐBSCL lại đối diện với nạn sạt lở trầm trọng trên các tuyến sông. Hàng năm sạt lở đã cuốn trôi hàng ngàn căn nhà, hàng chục ngàn hộ dân đang phải ngày đêm sống bên miệng “hà bá”. Chỉ tính riêng An Giang và Đồng Tháp đã có hơn 15.000 hộ dân sống trong vùng sạt lở nguy hiểm cần di dời khẩn cấp.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đánh giá cao những nỗ lực của lãnh đạo các địa phương và người dân trong vùng, đã quyết liệt thực hiện hiệu quả chương trình CTDC vượt lũ. Thủ tướng cũng chia sẻ với những khó khăn, lo âu của người dân ĐBSCL trong mùa lũ. Thủ tướng lưu ý, biến đổi khí hậu ngày càng tác động mạnh đến sinh hoạt, sản xuất của ĐBSCL. Lũ gây ra nhiều thiệt hại nhưng nó cũng mang đến nhiều nguồn lợi. ĐBSCL cần tận dụng những mặt lợi, tích cực từ lũ hàng năm mang đến để phát triển.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý kéo dài chương trình xây dựng CTDC vượt lũ ở ĐBSCL đến năm 2020 và yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát, các hộ dân ở những vùng bị lũ đe dọa bổ sung vào chương trình xây dựng CTDC vượt lũ. Phía ngân hàng cũng cần xem xét nâng định mức cho vay đối với người dân vùng lũ để phù hợp với nhu cầu thực tế hiện nay. “Chương trình xây dựng CTDC vượt lũ là chương trình đa mục tiêu. Các địa phương phải lắng nghe ý kiến của dân để chương trình tiếp tục thành công, hiệu quả. An cư mới lạc nghiệp. Chung sống với lũ ở đây phải an toàn, ổn định sản xuất, sinh hoạt mới phát triển bền vững. Đây là nội dung mà các địa phương vùng lũ phải đưa vào văn kiện Đại hội Đảng tới đây để thực hiện” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
CAO PHONG