Tờ South China Morning Post ngày 8-9 dẫn nhận định của nhà nghiên cứu Hu Zhiyong của Viện Quan hệ quốc tế, thuộc Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, cho rằng: “Ấn Độ hiện có hơn 55% hoạt động thương mại thông qua các tuyến đường biển lớn của châu Á và Eo biển Malacca. Khi thương mại của Ấn Độ với Đông Á gia tăng, New Delhi có thể tìm cách tăng cường hiện diện tại khu vực nhằm giảm phụ thuộc vào các cường quốc ở Tây Thái Bình Dương”. Còn nhà nghiên cứu Rajeev Ranjan Chaturvedy tại Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore nhận định: “Lợi ích ngày càng tăng của Ấn Độ tại biển Đông cũng thể hiện tham vọng của Delhi về lợi ích hàng hải và theo dõi các phát triển tiềm năng có thể ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia của Ấn Độ”.
Rõ ràng, Ấn Độ đang tăng cường hợp tác với các cường quốc trong khu vực, trong đó có Nga, quốc gia mà Ấn Độ đã nhất trí khởi động 1 tuyến đường hàng hải mà một phần đi qua khu vực biển Đông, nơi Trung Quốc đang có các tranh chấp với các nước trong khu vực.
Hơn nữa, trong tuyên bố chung được công bố tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông (EEF) lần thứ 5 ở Vladivostok tuần rồi, ngoài việc hợp tác trên tuyến hàng hải theo kế hoạch, Ấn Độ và Nga có thể tăng cường liên minh trong lĩnh vực quân sự và công nghệ. Thông báo về sự “hợp tác quân sự lớn hơn” giữa Ấn Độ và Nga được đưa ra 1 năm sau khi New Delhi đồng ý mua các hệ thống tên lửa đất đối không S-400 do Nga sản xuất. Điều này có thể báo hiệu rằng sự hợp tác của Ấn Độ với Nga hiện đang đi đến một giai đoạn quan trọng hơn. Khi mà Nga đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng tại châu Á (hợp tác với Ấn Độ), có thể, ở một mức độ nhất định, chống lại tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Á. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết tuyến đường hàng hải theo kế hoạch phù hợp với chính sách hướng Đông của Ấn Độ. Là một phần của hiệp định hợp tác, Ấn Độ sẽ cấp cho Nga khoản vay 1 tỷ USD để phát triển vùng Viễn Đông giàu tài nguyên.
Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng Ấn Độ sẽ tránh đối đầu trực tiếp với Bắc Kinh trong tranh chấp biển Đông. Chuyên gia Abhijit Singh, người đứng đầu Cơ quan nghiên cứu sáng kiến chính sách hàng hải tại Quỹ Nghiên cứu Người quan sát ở New Delhi, nói rằng các quan chức Ấn Độ thường nêu bật lợi ích thương mại và kinh tế quan trọng của nước này tại biển Đông. Ngoài việc nhấn mạnh cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế và giải pháp hòa bình cho các tranh chấp, các quan chức Ấn Độ không có ý định đi xa hơn nữa. Trong khi đó, Bắc Kinh cũng xác định ưu tiên hàng đầu là lôi kéo Ấn Độ tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường cho chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Ấn Độ vào tháng 10.