Ấn Độ tăng cường vị thế ở châu Á

Theo dự kiến, ngày 17-10, Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind sẽ tiến hành chuyến thăm cấp nhà nước 4 ngày tới Philippines và sau đó đến Nhật Bản để tham dự lễ đăng cơ chính thức của Nhật hoàng Naruhito.
Hải quân Ấn Độ tham gia các cuộc tập trận trên biển Đông với Hải quân Mỹ, Philippines và Nhật Bản. Ảnh: Indiannavy
Hải quân Ấn Độ tham gia các cuộc tập trận trên biển Đông với Hải quân Mỹ, Philippines và Nhật Bản. Ảnh: Indiannavy

Chuyến thăm 7 ngày sẽ tái khẳng định cam kết của Ấn Độ tăng cường quan hệ song phương dựa trên quan hệ hữu nghị truyền thống và sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước.

Quan hệ đồng minh tự nhiên với Philippines

Theo mạng IANS, chuyến thăm của ông Ram Nath Kovind tới Philippines được thực hiện theo lời mời của Tổng thống Rodrigo Duterte, nhân kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ấn Độ, Tổng thống Kovind sẽ tổ chức các cuộc hội đàm hạn chế và cấp phái đoàn với Tổng thống Duterte tại Manila, cũng như tham dự các sự kiện kinh doanh và cộng đồng.

Tổng thống Kovind là vị Tổng thống thứ 3 của Ấn Độ thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước đến Philippines kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1949. Vốn là đồng minh tự nhiên có cùng những kinh nghiệm chung về chủ nghĩa thực dân phương Tây - Ấn Độ đã ủng hộ lập trường của Philippines trên một số vấn đề quốc tế, bao gồm: thương mại thế giới, lao động… Thậm chí, năm 2004, Ấn Độ đã rút khỏi danh sách ứng cử viên để ủng hộ Philippines trở thành một thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2005 - 2006.

Sau phán quyết của tòa án trọng tài quốc tế về vụ kiện ở biển Đông do Philippines đưa ra nhằm chống lại Trung Quốc, Ấn Độ đã sử dụng ảnh hưởng của mình ở các nước láng giềng châu Á để thúc đẩy giải quyết một cách hòa bình những khác biệt trên biển. Là một cường quốc hải quân, Ấn Độ có trách nhiệm đạo đức để thúc đẩy tự do hàng hải như một lợi ích toàn cầu, và khẳng định rằng, không có quốc gia độc quyền lũng đoạn trên biển.

Theo báo cáo do Viện Nghiên cứu toàn cầu McKinsey (MGI) công bố cuối năm 2018, cả Ấn Độ và Philippines đều nằm trong số ít các nền kinh tế thị trường mới nổi chuẩn bị tốt để đạt được sự tăng trưởng bền vững trong thập kỷ tới. Đạt được sự tăng trưởng bền vững trong một vài thập kỷ hoặc lâu hơn là một trong những thách thức hàng đầu đối với các nền kinh tế mới nổi. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, mặc dù cả hai vẫn đối mặt với những thách thức trong nước và bối cảnh toàn cầu, trong 10 năm tới có thể ít thuận lợi hơn nhưng việc tiết kiệm và tăng năng suất liên tục sẽ cho phép hai quốc gia này tăng trưởng tương đối nhanh trong thập niên tới.

Mối quan hệ có tiềm năng lớn nhất

Trong chuyến thăm Nhật Bản, từ ngày 21 đến 23-10, ông Kovind sẽ tham dự nhiều nghi lễ khác nhau liên quan đến lễ đăng cơ của Nhật hoàng và tiệc chiêu đãi do Thủ tướng Shinzo Abe tổ chức. Bên cạnh một sự kiện cộng đồng, ông Kovind cũng sẽ đến thăm một ngôi chùa Phật giáo và trồng một cây con từ cây bồ đề linh thiêng ở Bodh Gaya (Ấn Độ) để nêu bật mối liên kết lịch sử và văn hóa trên nền tảng Phật giáo của Ấn Độ và Nhật Bản.

Trước chuyến thăm này, trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Modi ngày 27-6-2019 bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 dự kiến khai mạc ngày 28-6-2019 tại Osaka, Thủ tướng Abe nhận định quan hệ giữa hai nước được vun đắp “với tiềm năng lớn nhất để phát triển bất cứ mối quan hệ song phương nào trên thế giới”.

Nhà lãnh đạo Nhật Bản nêu rõ trong bối cảnh hướng tới hiện thực hóa khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, ông muốn thúc đẩy hợp tác cụ thể kết nối thông qua các lĩnh vực cơ sở hạ tầng cũng như quốc phòng, an ninh… Nhật Bản và Ấn Độ đã nhất trí thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực an ninh, giảm nguy cơ thảm họa và hợp tác đầu tư ở nước thứ 3, đồng thời quyết định nâng cấp thể thức đối thoại để “tay trong tay” nâng quan hệ giữa hai nước lên tầm cao mới.

Tin cùng chuyên mục