Ấn Độ thu hút Hollywood

Những năm gần đây, Hollywood nở rộ xu hướng tìm những phim trường ngoại quốc để mang lại sắc thái mới, lạ trong các bộ phim. Với chính sách mở cửa, nền công nghiệp điện ảnh phát triển, Ấn Độ hiện đang nằm trong danh sách điểm đến hấp dẫn nhất cho các nhà làm phim Hollywood.
Ấn Độ thu hút Hollywood

Những năm gần đây, Hollywood nở rộ xu hướng tìm những phim trường ngoại quốc để mang lại sắc thái mới, lạ trong các bộ phim. Với chính sách mở cửa, nền công nghiệp điện ảnh phát triển, Ấn Độ hiện đang nằm trong danh sách điểm đến hấp dẫn nhất cho các nhà làm phim Hollywood.

Ông D.P. Reddy, một quan chức Bộ Thông tin và Truyền thông Ấn Độ cho biết, trong 3 năm qua Ấn Độ đã cho phép Hollywood thực hiện hơn 100 bộ phim tại nước mình. Riêng năm 2009, 24 bộ phim đã được bật đèn xanh. Nhiều người cho rằng thế giới đã thật sự chú ý tới Ấn Độ sau giải Oscar 2009 với sự lên ngôi của Slumdog Millionaire (Triệu phú khu ổ chuột), dưới bàn tay đạo diễn tài ba người Anh - Danny Boyle.

Ông đã không chọn địa điểm phim trường tại Hollywood mà đến tận khu ổ chuột tồi tàn nhất tại Mumbai để bộ phim có được những hình ảnh chân thật nhất. Công tác tuyển chọn diễn viên cũng diễn ra ngay tại Ấn Độ và những diễn viên nhí trong phim cũng được lựa chọn từ chính khu ổ chuột này.

Một cảnh trong phim Slumdog Millionaire.

Một cảnh trong phim Slumdog Millionaire.

Sau Slumdog Millionaire, các bộ phim mới nhất được quay ở Ấn Độ là Mission impossible 4 (Điệp vụ bất khả thi) và Life of Pi (Cuộc đời của Pi). Eat pray love (Ăn, cầu nguyện, yêu) với vai chính thuộc về Julia Roberts cũng được quay ở Ấn Độ. Những bộ phim gần đây như The Bourne supremacy (2004) và A mighty heart (2007) đều sử dụng địa điểm của Ấn Độ.

Sắp tới, bộ phim The Best Exotic Marigold Hotel (tạm dịch Khách sạn Marigold độc đáo) sản xuất năm 2012, với dàn diễn viên nổi tiếng Judi Dench, Maggie Smith và “Triệu phú ổ chuột” Dev Patel, cũng được quay tại Ấn Độ.

Không chỉ dừng lại ở trước ống kính máy quay, làn sóng Ấn Độ còn hiện diện ở cả hậu trường. Gần đây, Tập đoàn Reliance ADA của Ấn Độ đã ký hợp đồng tài trợ trị giá 825 triệu USD với hãng phim DreamWorks của đạo diễn Steven Spielberg để sản xuất 6 phim trong vòng 3 năm tới. Tập đoàn có trụ sở tại Mumbai này cũng có các hợp đồng làm phim với các ngôi sao hàng đầu của Hollywood như Tom Hanks, Brad Pitt, Jim Carrey và Nicolas Cage. Hiện Reliance đang trong quá trình thương thảo với Universal Studios để xây dựng một công viên chủ đề và một resort trị giá 1,5 tỷ USD tại Ấn Độ.

Tiềm năng thị trường điện ảnh của Ấn Độ được cho là rất lớn vì thế không có gì khó hiểu khi Hollywood chuyển hướng sang đầu tư và sản xuất tại nước này. Năm 2009, 3 tỷ vé xem phim đã được bán ra ở đây so với 1,5 tỷ ở Mỹ, theo báo cáo của Công ty Truyền thông và giải trí Crisil. Không có một quốc gia nào mà điện ảnh lại ảnh hưởng mạnh mẽ đến quảng đại quần chúng như ở Ấn Độ.

Riêng năm 2009, nước này đã sản xuất hơn 900 phim truyện (để so sánh “kinh đô điện ảnh” Hollywood chỉ sản xuất chừng 200 phim), quay gần 2.000 phim ngắn (tài liệu, khoa học, quảng cáo...), chưa nói đến dòng phim ngày càng ăn khách trên hệ thống truyền hình quốc gia. Trong khoảng 7.000 rạp chiếu bóng, hàng ngày có 13 triệu khán giả thường trực. Nhiều thập niên gần đây, Ấn Độ luôn dẫn đầu danh sách các nước sản xuất nhiều phim nhất trên hành tinh.

Sự vượt trội của nền điện ảnh Ấn Độ trước hết là nhờ vào việc thiết lập các trường quay tổng hợp lớn tại Mumbai (tên cũ là Bombay), Calcuta và Madras. Ngoài 3 trường quay lớn (Prabhat, Bombay Tokis và New Theater), Ấn Độ còn có 7 Majorcompany - những cơ sở làm phim riêng biệt, với mỗi hãng chuyên sâu về một đề tài nhất định trong điện ảnh.

Các hãng này có tất cả những điều kiện thích hợp để dựng phim: trường quay riêng, các phòng thí nghiệm, trang phục, thiết bị... cũng như đội quân biên chế thường trực (dàn nhạc, phông cảnh, đội ngũ diễn viên và đạo diễn).

Phương Nam (Theo AFP, AP)

Tin cùng chuyên mục