Ăn hỏi

Dù đã trải qua 61 mùa cưới Hà Nội mới thì mùa thứ 62 này cưới xin vẫn còn phải đầy đủ ba thủ tục: Dạm ngõ, ăn hỏi, lễ thành hôn.
Ăn hỏi

Dù đã trải qua 61 mùa cưới Hà Nội mới thì mùa thứ 62 này cưới xin vẫn còn phải đầy đủ ba thủ tục: Dạm ngõ, ăn hỏi, lễ thành hôn.

Minh họa: P.S

Sở dĩ nói 61 mùa cưới đã qua sau ngày tiếp quản Hà Nội là bởi vì cũng từ ngày ấy Hà Nội liên tục có những đợt vận động nếp sống mới. Đại khái ma chay cưới xin theo nếp sống mới không nên quá rình rang tốn kém. Tất nhiên, với những người khá giả ở thủ đô thì cuộc vận động này không mấy kết quả. Những năm ’60 thế kỷ trước đám cưới Hà Nội vẫn diễn ra theo hai cách. Cách của thị dân cũ không phải là cán bộ công chức nhà nước và cách thứ hai của số thị dân còn lại.

Lễ nghi cưới hỏi của thị dân cũ vẫn diễn ra theo lối cũ gồm có sáu lễ: Nạp thái, Vấn danh, Nạp cát, Nạp tệ, Thỉnh kì, Thân nghinh. Ba lễ đầu chủ yếu là tìm hiểu tuổi tác hai bên nhằm tránh những xung khắc theo tướng số. Ba lễ sau có tính ràng buộc khẳng định cho cuộc hôn nhân đã thành công. Thế nhưng, trai gái thành phố ngày ấy còn chưa được thấm nhuần khái niệm tự do luyến ái. Nghĩa là nhiều khi phải sau lễ thứ tư Nạp tệ thì mới chính thức có thể chuyện trò đi lại tìm hiểu.

Thị dân công chức nhà nước nhiều người cũng luyến tiếc phong tục cũ nhưng vì phải làm gương thực hiện nếp sống mới nên việc cưới hỏi đơn giản đi khá nhiều. Tất cả chỉ còn ba lễ chính mà thôi. Dạm ngõ (Nạp thái), Ăn hỏi (Vấn danh), Thành hôn (Thân nghinh). Thủ tục đơn giản đi cũng tạo điều kiện cho cô dâu chú rể tương lai có nhiều thời gian để hiểu về nhau cặn kẽ hơn. Và cũng chính là tạo điều kiện cho những đám cưới gấp rút theo kiểu cưới chạy tang, chạy bụng không đủ thời gian tuân thủ phong tục.

Giờ đây thì mọi thủ tục lễ lạt của một cuộc thành hôn đã gần như chỉ còn đơn giản hình thức. Ít nhiều theo phong tục. Phần lớn hai gia đình thông gia đã có những quyết định thống nhất cụ thể từ trước đó rồi. Gần như rất hiếm khi còn có chuyện thách cưới dằng dai thảo luận. Và ba nghi lễ hình thức này cũng không cách nhau quãng thời gian quá xa. Thường chỉ trong vòng ba tuần lễ. Trong đó chỉ còn lễ ăn hỏi là nghiêm cẩn tuân thủ lề thói cũ.

Ngày giờ chọn trước từ lễ Dạm ngõ. Hôm ăn hỏi nhà trai đưa bầu đoàn thê tử đông đúc nhất có thể sang nhà gái với số lượng tráp quả đã qua thảo luận. Tất nhiên cũng phải đủ trầu cau, bánh trái, rượu, chè, thuốc lá, hoa quả và một ít phong bì tượng trưng.

Nhà gái cử đại diện là mẹ cô dâu lên nhận lễ ăn hỏi do mẹ chú rể đứng ra trao. Cũng phải lần lượt trao từng món có quay phim chụp ảnh kỷ niệm đàng hoàng. Đại diện nhà gái đứng ra nói lời cảm tạ với đầy đủ kính thưa lễ phép. Nhà trai cũng nói lời cảm ơn đến tất cả những người cao niên trong hai họ. Tiếp đến là nhà gái xin phép cho cô dâu chú rể đưa lễ lên bàn thờ gia tiên. Công đoạn này chiếm khá nhiều thời gian bởi người đứng ra mở lễ thường là các cụ cao niên nhất bên họ nhà gái. Thời đại công nghệ, những tráp lễ được các công ty tổ chức trình bày sắp đặt và dán băng keo khá chặt. Đảm bảo cho đám thanh niên bưng tráp dù có nghịch ngợm đến mấy cũng không thể rơi đồ lễ. Các cụ cao niên giữ lề thói xưa không bao giờ cho con cháu dùng dao kéo để cắt đồ lễ. Đó là việc hết sức kiêng kỵ. Người ta tin rằng dùng dao kéo vào việc này thì đôi trẻ rất dễ dẫn đến chia lìa. Tay run mắt mờ mở được một mối dán bằng băng keo có khi mất mười phút. Trong bảy tráp quả lễ ấy có đến hàng vài chục mối dán băng keo. Mà lại phải chính tay các cụ thứ tự mở từng tráp một.

Tiết mục cuối cùng không thể thiếu là hai họ cùng bạn bè cô dâu chú rể chụp ảnh kỷ niệm. Thợ ảnh thuộc bài nhớ nhắc hai họ dừng lại trước cổng để thứ tự mọi người vào trước phông màn có dòng chữ “Lễ ăn hỏi của…ngày, tháng, năm” chụp ảnh. Thợ non nghề quên khuấy có khi phải chạy theo họ nhà trai ra đường mời quay trở lại.

Đám cưới ở thành phố nhiều năm nay diễn ra theo công thức nhà trai và nhà gái cùng tổ chức một buổi tiệc ở cùng nơi sau hoặc trước khi đón dâu. Có hai hộp tiền mừng ở bàn tiếp tân ghi rõ nhà trai, nhà gái. Có hai tấm biển chỉ đường trong hội trường cũng đề hai chữ ấy. Khách khứa tự biết vị trí của mình mà ngồi không nhầm lẫn. Các nhà nấu cỗ chuyên nghiệp tùy theo khả năng tài chính của hai gia đình mà đưa ra thực đơn. Khách dự lễ cưới cố gắng tìm hiểu vị trí tổ chức cưới mà quyết định số tiền mừng. Nếu ở khách sạn 5 sao thì tiền mừng 1 triệu là có thể tạm đủ suất của mình.

Là cứ cẩn thận thế thôi chứ ai cũng biết rằng hôn nhân bây giờ kém bền vững hơn nửa thế kỷ trước rất nhiều. Chẳng hiểu sao lại thế?

10-2016

ĐỖ PHẤN

Tin cùng chuyên mục