“Ăn khách” và “nghệ thuật”

Chưa bao giờ giải Cánh diều vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam (VN) lại có mặt của các hãng phim tư nhân nhiều đến vậy: 5/6 phim tham gia. Trước nay, tâm lý các hãng phim tư nhân khi tham dự các giải chỉ là để góp mặt cho vui, đơn giản vì điều tiên quyết của đồng tiền bỏ ra từ túi tư nhân vẫn là lợi nhuận, nên thời điểm để chiếu phim vẫn là dịp tết.

Mà đã là phim chiếu tết thì đương nhiên đề tài phải bị bó hẹp trong sự vui vẻ, nhẹ nhàng, tốt nhất là phim hài. Vì vậy, không khó hiểu khi những phim giải trí thuần túy thị trường như “Khi đàn ông có bầu”, “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, Võ Lâm truyền kỳ”, “Đẻ mướn”… đua nhau trình chiếu trong dịp tết dưới cái mũ tư nhân vẫn luôn thắng lớn về doanh thu.

Cũng từ đó, điện ảnh VN chia ra hai dòng phim rõ rệt: Phim thị trường do tư nhân sản xuất và phim nghệ thuật chỉ dành cho các hãng phim nhà nước. Cũng từ ấy, mặc nhiên cái hàng rào giữa công chúng và phim nghệ thuật được dựng lên… Và một khái niệm được hình thành từ đồng doanh thu: Phim thị trường là của công chúng còn phim nghệ thuật là của các liên hoan phim. 

Rất nhiều phim nổi tiếng đoạt giải trong và ngoài nước đã ra rạp trước sự thờ ơ của công chúng. Tại sao? Lẽ nào trình độ thưởng thức nghệ thuật của khán giả VN chỉ có thể chạm đến những bộ phim hài xem xong rồi bỏ? Câu hỏi ấy đã được giải rõ ràng khi bộ phim “Áo lụa Hà Đông” của Hãng Phước Sang và “Dòng máu anh hùng” của Hãng Chánh Phương đạt doanh thu tiền tỷ.

Đã qua rồi cái thời hãng phim tư nhân chỉ biết làm phim giải trí, bởi tuy lợi nhuận vẫn là điều quan trọng, nhưng bên cạnh lợi nhuận, tâm lý chung của người sản xuất bao giờ cũng muốn vươn lên để chứng tỏ đẳng cấp của mình. Và điều đó đã được chứng minh khi “Áo lụa Hà Đông”, “Dòng máu anh hùng” xuất hiện. Bỏ qua những điều tiếng không hay xung quanh giải Cánh diều vàng 2006 của phim “Áo lụa Hà Đông”, bởi dù chưa xứng đáng với giải vàng, nhưng phải công tâm mà nhận định đó là một bộ phim được thực hiện rất nghiêm túc và công phu, vì vậy nó đã xứng đáng nằm trong danh sách nhận giải của Ban giám khảo ở Liên hoan phim VN lần thứ 15 (2007).

Còn phim “Dòng máu anh hùng” đã nhận giải thưởng lớn của Ban giám khảo LHP Los Angeles và giải Bông sen bạc Liên hoan phim VN 14 (2005) kèm thêm 2 giải vàng cho Nữ diễn viên chính và Quay phim. Năm 2007, khi bộ phim ăn khách “Nụ hôn thần chết” (Hãng Thiên Ngân) sánh vai cùng bộ phim “Trái tim bé bỏng” của Hãng phim truyện VN với giải Cánh diều bạc, hơn một lần nữa cho thấy sự chuyển hướng tích cực từ các hãng phim tư nhân. Chính những giải thưởng này đã khích lệ các hãng phim tư nhân rất nhiều và cũng từ chính những sự kiện này mà trên mặt bằng điện ảnh tư nhân ngày càng vắng đi những loại phim nhảm nhí kiểu “Hồn Trương Ba…” hay “Khi đàn ông có bầu”…

Sự trưởng thành của các hãng phim tư nhân hoàn toàn đi theo đúng nhịp của thế giới. Ta thử nhìn lại, những bộ phim kinh điển nghệ thuật của thế giới có bộ phim nào là được sản xuất từ ngân sách nhà nước không? Phim làm ra là để công chiếu, và phải có khán giả; làm cách nào để dung hòa được doanh thu và nghệ thuật là điều mà tất cả nhà sản xuất phim trên thế giới đều hướng tới. Đó là cái đích của một “Titanic” vừa đoạt 11 giải Oscar vừa đoạt doanh thu toàn cầu cao nhất thời đại với 1,8 tỷ USD.

Vì vậy, việc đối lập phim nghệ thuật và doanh thu chỉ là một cách bào chữa cho kiểu làm vô trách nhiệm của các cơ quan nhà nước. Bởi “Áo lụa Hà Đông” và “Dòng máu anh hùng” nếu được làm bằng tiền nhà nước chắc chắn sẽ chịu chung số phận với “Sống trong sợ hãi”, “Đời cát”, “Trái tim bé bỏng”…

Gần đây nhất, khi “Huyền thoại bất tử” của Hãng Phước Sang công bố doanh thu trên 2 tỷ đồng, coi như một thất bại so với loạt phim chiếu tết, nhưng đó chính là con số mà các phim được sản xuất bằng tiền của nhà nước nằm mơ cũng không thấy nổi. Thậm chí có phim như “Những người thợ xẻ”, “Cầu Ông Tượng” chưa từng được ra rạp và gần đây nhất, sau Giải vàng của Hồng Ánh ở LHP Dubai, bộ phim “Trăng nơi đáy giếng” (Hãng phim Giải Phóng) vẫn còn mịt mù đầu ra ở các rạp chiếu!!

“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Trước tiên, các hãng phim nhà nước phải nhìn lại mình để điều chỉnh làm sao không có sự phân dòng dữ dội giữa phim ăn khách và phim nghệ thuật. 

NGÔ NGỌC NGŨ LONG

Tin cùng chuyên mục