

Tranh: P.S
Xu hướng thích trưng bày cây cảnh ở công sở, vườn cảnh, nhà riêng… vô hình trung đang “kéo” rừng về phố. Ở Quảng Nam, cơ quan bảo vệ môi trường đã phải lên tiếng báo động về nạn “ăn sẵn của rừng”, nghĩa là vào rừng tìm cây thế đẹp, đào bới nguyên gốc đem về bán với giá hàng triệu đồng.
Nhiều cây lớn mọc hai bên bờ sông cũng bị đào, gây sạt lở nghiêm trọng, đặt ra mối nguy hiểm hiện ra trước mắt. Đó chưa kể đến việc làm thiệt hại tài nguyên rừng, hủy hoại môi trường sinh thái. Cả một đoạn đường dọc theo quốc lộ 1A từ Núi Thành đến Thăng Bình (Quảng Nam) có tới hàng trăm điểm bán “cây cảnh”, trong đó có những điểm bát ngát như những cánh rừng...
“Phong trào” đào bới cây cổ thụ về làm cây cảnh – tất nhiên - không chỉ dấy lên ở miền Trung và Tây Nguyên. Cách đây chưa lâu, hàng loạt cây chè cổ thụ ở xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn (Yên Bái) bị đào gốc trốc rễ đem về xuôi làm cây cảnh, sau khi công luận lên tiếng, chính quyền tỉnh quyết liệt ra tay, “phong trào” này mới tạm thời lắng xuống. Và cũng không chỉ cây cảnh! Sau cây chè, ở Yên Bái hiện nay lại rộ lên nạn khai thác đá bừa bãi về… làm đá cảnh.
Nhân danh những “thú chơi” tao nhã, nhiều người ham lợi đã ra tay hủy hoại thiên nhiên một cách không thương tiếc. Câu hỏi đặt ra là, đến bao giờ cơ quan bảo vệ môi trường và chính quyền địa phương mới phối hợp để tìm ra giải pháp ngăn chặn hiệu quả?
ANH THƯ