An Thuyên: Người của bến quê

Nhạc sĩ An Thuyên
An Thuyên: Người của bến quê

“Ca dao, em và tôi” là live show “Con đường âm nhạc” (CĐÂN) tháng 4 được tường thuật trực tiếp vào 20g ngày 8-4 trên VTV3. Tên chương trình là một ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ An Thuyên - nhân vật chính của CĐÂN kỳ này.

  • Neo đậu bến quê

An Thuyên: Người của bến quê ảnh 1

Nhạc sĩ An Thuyên

Ca khúc mở đầu chương trình Em chọn lối này được nhạc sĩ An Thuyên sáng tác hồi còn rất trẻ (20 tuổi) khi công tác ở Ty Văn hóa Nghệ An - quê hương ông, từ cảm hứng sau những chuyến đi tới các bản làng miền núi phía Tây Nghệ An, ngất ngây trong men say rượu cần và những làn điệu dân ca xứ Nghệ. Em chọn lối này cũng chính là “lời tuyên bố” của ông về con đường âm nhạc của cuộc đời. Từ đó, ông lần lượt cho ra đời những tác phẩm thấm đẫm hơi thở dân ca xứ Nghệ gắn với những hình ảnh mộc mạc nhất, thân thuộc nhất trong trái tim mỗi con người khi nhớ về quê hương xứ sở.

Miền Trung là “địa bàn” quen thuộc chiếm phần lớn trong sáng tác của nhạc sĩ An Thuyên. Những bài hát thành công nhất của ông thường gắn với dải đất này: Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Ca dao em và tôi, Về miền Trung...

Tiếp theo phần thứ nhất với chủ đề Về miền Trung, phần thứ hai của chương trình là những sáng tác của ông trong những năm gần đây: Chú Cuội chơi trăng, Du xuân, Sóng đàn Hà Nội, Ông vua đi cày… Lấy cảm hứng từ những hình ảnh dân gian quen thuộc ăn sâu vào tâm thức người Việt, ông gửi vào ca khúc triết lý nhân sinh và nỗi đau đáu về nhân tình, thế thái.

Phần thứ ba, Tình ca, mẹ và người lính, gồm các ca khúc: Tình ca mặt trời, Hồ Gươm chiều thu, Đi tìm bóng núi, Thương về xứ hoa đào, Hát ru người mẹ lính và Mẹ VN anh hùng... Phần kết là chùm ca khúc mang hơi thở thời đại mới: Biển lạnh, Phật Bà nghìn mắt nghìn tay, Bổ đôi núi đáDòng sông thi ca, trong đó Bổ đôi núi đá là ca khúc mới lần đầu được công bố.

  • Người nhạc sĩ  “tả xung hữu đột”

Nhạc sĩ An Thuyên đã đoạt các giải thưởng: Giải Nhất cuộc thi ca khúc toàn quốc năm 1985: Tiếng đàn balalaica trên sông Đà (phỏng thơ Quang Huy); Giải thưởng chính thức của Bộ Quốc phòng: Hành quân lên Tây Bắc (1984), Thơ tình của núi (1994); Giải nhất của Bộ Văn hóa-Thông tin và Hội Nhạc sĩ Việt Nam: Khi xe tăng qua miền Quan họ (1985), Mẹ Việt Nam anh hùng (1995).

Nhạc sĩ An Thuyên quan niệm, chỉ khi nào ngừng viết mới làm live show tổng kết nhưng rồi ông không cưỡng được lời mời nhiệt tình của VTV, đối tác quen thuộc của Trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, nơi ông đã góp sức xây dựng và đào tạo nhiều gương mặt ca sĩ thành danh trên thị trường âm nhạc như: Hồ Quỳnh Hương, Kasim Hoàng Vũ, Hồ Ngọc Hà…

Hiện giữ chức Phó Tổng thư ký thường trực, Trưởng ban Kiểm tra Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa V, mặc dù bận rộn công tác quản lý nhưng ông sáng tác khá đều đặn và đều tay. Ông còn là tác giả một số vở kịch hát đã được dàn dựng: Trương Chi, Đôi đũa kim giao, Biển tình cay đắng. Mảng sáng tác khí nhạc, đáng chú ý có Concerto cho flute và dàn nhạc giao hưởng. Ông còn viết nhạc phim và nhạc sân khấu cho khoảng 60 vở kịch nói, tuồng, chèo...

Hai năm nay, ông đang tìm tòi sáng tạo thể loại nhạc kịch. Năm ngoái, vở nhạc kịch Đất nước đứng lên của ông đã ra mắt tại Nhà hát lớn Hà Nội. Khoảng giữa năm nay, vở nhạc kịch Hòn đất sẽ ra mắt. Và có một điều thật lạ, càng sáng tác, ông càng trẻ ra trong từng nét giai điệu lẫn ca từ. Ông cho rằng, mình đang đi trên con đường thể nghiệm để đến với giới trẻ 8X - 9X bằng những ca khúc mang hơi thở dân gian được phối khí sôi động và trẻ trung.

Không quá thiên về kỹ thuật hay gây ấn tượng bởi những bản phối hiện đại, âm nhạc của ông trong sáng, dễ đi vào lòng người bởi sự giản dị vốn có. Chất liệu dân gian trong các sáng tác của ông nhuần nhuyễn, uyển chuyển, vừa mang hơi thở của từng vùng miền, đồng thời hòa quyện vào không gian âm nhạc chung của dân tộc. “Điều cốt lõi là người nhạc sĩ phải biết nâng niu, gọt giũa, kết hợp cái thuần túy của âm nhạc dân gian với tri thức âm nhạc bác học hiện đại. Có như vậy mới tạo ra được những tác phẩm tân thời mà đậm đà chất liệu dân ca”, ông chia sẻ.

Hoàng Giang

Tin cùng chuyên mục