An toàn đường sắt - Hệ thống hạ tầng chưa… chuẩn

Thiếu, yếu và xuống cấp
An toàn đường sắt - Hệ thống hạ tầng chưa… chuẩn

Thiếu, yếu và xuống cấp

Số liệu từ ngành chức năng cho thấy địa bàn thành phố hiện có tổng cộng 27 đường ngang xe lửa trong đó có 19 đường ngang có gác chắn, 7 đường ngang có đèn cảnh báo tự động và một đường ngang dân sinh.

Một đoạn đường sắt ngập đầy rác và nước thải. Ảnh: G.T.

Một đoạn đường sắt ngập đầy rác và nước thải. Ảnh: G.T.

Thế nhưng vẫn còn nhiều tồn đọng chung quanh hệ thống đường sắt, chính xác hơn là liên quan đến an toàn chạy tàu và an toàn cho các khu dân cư nơi đường sắt chạy ngang qua. Phó Giám đốc Sở GTCC, ông Lê Toàn cho biết vẫn còn xảy ra thực trạng người dân thường xuyên đổ rác thải, xà bần bừa bãi dọc theo hành lang an toàn giao thông đường sắt. Việc đổ rác bừa bãi vừa mất an toàn chạy tàu, vừa gây ô nhiễm môi trường. Tương tự là tình trạng người dân lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt để làm nơi buôn bán kinh doanh và như “quy luật” bất thành văn, đoạn đường sắt nào có lấn chiếm buôn bán tự phát ở đó xảy ra xô bồ, mất trật tự an toàn chạy tàu.

Nhiều nơi nhiều chỗ hành lang an toàn đường sắt đã xuống cấp, có những nơi hàng rào bị hư hỏng nặng nhưng chưa được duy tu sửa chữa kịp thời, nhiều vị trí vắng bóng gác chắn mặc dù có mật độ dân cư đông đúc như tại nút đường sắt giao nhau với hẻm 120/29 đường Thích Quảng Đức, vị trí giao với hẻm 107 Trương Đăng Quế, hay ở vị trí đường sắt giao với đường Trần Hữu Trang…

Một hạn chế khác, tại một số đường ngang vẫn đang thiếu cọc tiêu, biển báo theo quy định hoặc có nhưng đã hư hỏng hoặc vị trí chưa hợp lý, khó khăn để nhận diện từ xa. Đó là trường hợp của biển báo “GA” đặt trước số nhà 115/110 đường Lê Văn Sỹ đã bị hư hỏng; biển báo hiệu tại vị trí đường sắt giao với đường Đình Thần nằm khuất tầm nhìn; biển báo “Giao nhau với đường sắt” trên đường Linh Đông - Thủ Đức bị cong vênh, nghiêng đổ!

Có khi vấn đề tồn tại xảy ra do chính hệ thống tổ chức vận hành của bản thân ngành đường sắt. Tình trạng phóng uế “vô tư” từ trên xe lửa thẳng xuống đường ray là một ví dụ. Tệ trạng này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm mặc dù hậu quả của việc phóng uế bừa bãi ấy lắm khi rất nghiêm trọng: gây ô nhiễm môi trường sống, có nguy cơ cao phát tán lây lan dịch bệnh giữa các vùng, miền.

Ngoài ra là một số nguyên nhân khác: nhiều đoạn nhiều nơi cỏ dại mọc um tùm hai bên đường ray xe lửa làm khuất tầm nhìn của các phương tiện đường bộ từ đó nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông; hàng rào hành lang an toàn vẫn chưa phủ kín…

Việc cần làm ngay

Theo Sở GTCC, việc đảm bảo trật tự an toàn hành lang đường sắt trên địa bàn thành phố đòi hỏi sự chung tay chung sức của nhiều đầu mối, đặc biệt là phía quản lý đường sắt và chính quyền địa phương nơi tuyến đường sắt đi qua.

Chính trong cách nhìn này, phần việc của mỗi bên liên quan được xác định rõ ràng và dễ dàng. Bấy giờ đường sắt Việt Nam sẽ đảm trách những việc như đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống gác chắn tại các vị trí đường ngang trên địa bàn; mở rộng các đường ngang đảm bảo đồng bộ bề rộng đường bộ hai bên; xây dựng hệ thống hàng rào bê tông cốt thép; có phương án đầu tư thiết bị vệ sinh tự hoại trên các đoàn tàu…

Phần việc quan trọng và trước mắt của Công ty Quản lý Đường sắt Sài Gòn là cần nhanh chóng tiến hành công tác dọn dẹp vệ sinh bên trong hành lang an toàn đường sắt; khắc phục các đoạn hàng rào bị hư hỏng; thường xuyên duy tu sửa chữa hệ thống đường sắt, đảm bảo trật tự an toàn chạy tàu trên toàn địa bàn.

Trong khi đó Chính quyền các địa phương có đường sắt Bắc Nam chạy qua gồm quận 3, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức sẽ chịu trách nhiệm bổ sung lắp đặt kịp thời, nhanh chóng hệ thống cọc tiêu, biển báo đang thiếu tại các vị trí lẽ ra phải có như quy định giao nhau giữa đường sắt và đường bộ trên các tuyến đường quận quản lý. Chính quyền địa phương cũng là đầu mối làm công tác vận động, tuyên truyền người dân sống trong khu vực không có những hành vi gây phương hại đến an toàn chạy tàu, như đổ rác bừa bãi, lấn chiếm hành lang an toàn để buôn bán… Đặc biệt UBND quận Bình Thạnh được khuyến cáo cần phải làm ngay, làm sớm việc thi công đường ngang tại Km 1719+732 và khẩn trương bít ngay hai đường ngang không đảm bảo an toàn tại Km 1719+630 và Km 1720+015 vốn đã được Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam ra quyết định triển khai.

Các chính quyền địa phương cũng được lưu ý sửa chữa những bất cập hiện nay trong việc đảm bảo an toàn chạy tàu. Chẳng hạn như UBND quận 3 được nhắc nhở phải tiến hành mở rộng vị trí thắt cổ chai tại điểm giao cắt với đường sắt ở đường Trần Văn Đang; UBND quận Thủ Đức cần có phương án san lấp ao nuôi cá lấn vào hành lang an toàn đường sắt trên đường song hành, đoạn từ trại cá sấu Hoa Cà đến đường Hiệp Bình; UBND quận Phú Nhuận cần khảo sát tạo làn rẽ phải từ đường song hành đường sắt vào đường Nguyễn Trọng Tuyển nhằm hợp lý giao thông tại đây…

THIỆN NHÂN

Tin cùng chuyên mục