An toàn Internet và đạo đức của AI trong năm 2024

Hôm nay 6-2, là Ngày Internet An toàn hơn. Đây là ngày được hơn 150 quốc gia trên toàn cầu công nhận với ý nghĩa thúc đẩy việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số một cách an toàn.

Trẻ em - đối tượng dễ bị tổn thương nhất trên Internet. Ảnh: raisingchildren.net.au
Trẻ em - đối tượng dễ bị tổn thương nhất trên Internet. Ảnh: raisingchildren.net.au

Trách nhiệm mỗi cá nhân

Chủ đề của Ngày Internet an toàn hơn năm 2024 là “Inspiring change? Making a difference, managing influence and navigating change online” (Tạm dịch “Sự thay đổi truyền cảm hứng? Tạo sự khác biệt, quản lý ảnh hưởng và điều hướng sự thay đổi trực tuyến). Tại nhiều nước, Ngày Internet An toàn hơn năm nay sẽ tập trung vào các vấn đề như quan điểm của giới trẻ về công nghệ; sử dụng Internet để thay đổi tốt hơn; những điều có thể ảnh hưởng và thay đổi cách người trẻ suy nghĩ, cảm nhận, hành động. Ngày Internet An toàn hơn nhằm nhắc nhở mọi người rằng sự an toàn của mỗi cá nhân trên mạng phụ thuộc chủ yếu vào chính bản thân họ.

Chính phủ các nước đã thông qua nhiều quy định như Luật An toàn trực tuyến của Anh, Quy định Bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) và Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA) của Liên minh châu Âu (EU) để đảm bảo hoạt động trực tuyến an toàn cho người dùng. Các công ty công nghệ gần đây cũng có một số điều chỉnh để bảo vệ người dùng, nhất là trẻ em trên không gian mạng song giới lập pháp cho rằng những hành động đó chưa đủ mạnh để ngăn chặn các mối đe dọa. Và, cho dù chính phủ có đấu tranh chống lại những kẻ lừa đảo và tội phạm như thế nào đi nữa, điều đó sẽ không giúp ích gì cho bạn nếu người dùng tự nguyện cung cấp dữ liệu cá nhân. Vì vậy, theo Guide Online, “An ninh mạng là trách nhiệm cá nhân của bạn”.

Thay đổi bối cảnh quản trị AI

Song song sự kiện này, Diễn đàn toàn cầu lần thứ 2 về đạo đức trí tuệ nhân tạo (AI) năm 2024 cũng diễn ra tại Slovenia trong ngày 5 và 6-2 với chủ để “Changing the Landscape of AI Governance” (tạm dịch Thay đổi bối cảnh quản trị AI).

Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), diễn đàn sẽ đưa các đánh giá về cơ hội và thách thức bởi AI. Chẳng hạn như tiềm năng của công nghệ này để thúc đẩy chương trình nghị sự về công bằng, đa dạng và không phân biệt đối xử, các phương pháp thực hành tốt nhất mới nổi về giám sát AI, quan hệ đối tác với khu vực tư nhân thông qua các đánh giá tác động đạo đức và tác động của AI đối với bình đẳng giới. Diễn đàn cũng sẽ giới thiệu nhiều sáng kiến của UNESCO, bao gồm Đài quan sát đạo đức AI toàn cầu và Mạng lưới các chuyên gia đạo đức AI không biên giới của UNESCO.

Diễn đàn diễn ra trong bối cảnh nhà chức trách trên khắp thế giới đang ngày càng lo ngại về sự tinh vi của công nghệ deepfake và việc sử dụng chúng vì mục đích xấu. Ngày 5-2, cảnh sát Hồng Công (Trung Quốc) cho biết, một nhân viên tài chính tại một công ty đa quốc gia (chưa được tiết lộ thông tin) đã bị lừa mất 25,6 triệu USD khi những đối tượng lừa đảo sử dụng công nghệ “deepfake” - chỉnh sửa các video và hình ảnh - giả làm giám đốc tài chính của công ty. Trước đó, hồi tháng 1, những hình ảnh khiêu dâm do AI tạo ra về ngôi sao nhạc pop người Mỹ Taylor Swift lan truyền trên phương tiện truyền thông xã hội đã gióng thêm hồi chuông cho thấy nguy cơ sử dụng công nghệ AI thiếu đạo đức gây ra.

Tin cùng chuyên mục