An toàn là trên hết

Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị về việc kiểm tra, rà soát, đánh giá an toàn chịu lực nhà ở và công trình công cộng cũ, nguy hiểm tại đô thị. Trước đó chưa đầy 2 tháng, Thủ tướng cũng đã ký ban hành Nghị định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Đây là những động thái quyết liệt của Chính phủ trong việc xử lý tình trạng mất an toàn cho người sử dụng tại các nhà chung cư và công trình công cộng đã hết niên hạn sử dụng, chất lượng bị xuống cấp tại các đô thị.

Sự quyết liệt này đã buộc Bộ Xây dựng, các địa phương và các cơ quan chức năng phải vào cuộc sau gần 10 năm trì trệ trong việc giải quyết thực trạng xuống cấp của các công trình xây dựng cũ. Đơn cử, tại Hà Nội, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng từ lâu đều biết rất rõ thực trạng đáng lo ngại là, toàn thành phố có khoảng 1.516 chung cư, chủ yếu được xây dựng từ năm 1960 đến cuối những năm 1980, thậm chí một số nhà được xây dựng từ trước năm 1954. Do áp lực về diện tích ở, sự yếu kém trong quản lý, hầu hết các khu chung cư đều xảy ra tình trạng cơi nới, phá vỡ cấu trúc cũ, mật độ xây dựng thường tăng gấp đôi so với thiết kế ban đầu, dân cư tăng khoảng 1,5 lần. Hiện nhiều tòa nhà còn đang ở tình trạng lún nghiêng, han gỉ cốt thép, nứt vỡ bê tông ở mức độ lớn. TP Hà Nội cũng đã từng tiến hành kiểm định chất lượng để lọc ra những công trình nguy hiểm cấp D, tổ chức di chuyển, cải tạo xây dựng lại theo quy định của Luật Nhà ở. Thế nhưng, kết quả là, sau 10 năm kể từ khi HĐND TP Hà Nội thông qua Nghị quyết về cải tạo chung cư cũ, đến nay, toàn thành phố mới chỉ phá dỡ, xây dựng lại được 14 công trình, chiếm khoảng 1% tổng số chung cư cũ tại Hà Nội.

Tình trạng trì trệ trong cải tạo chung cư, công trình công cộng cũ cũng diễn ra tương tự ở TPHCM. Sau nhiều năm nỗ lực, hiện TPHCM vẫn còn 178 khu chung cư xuống cấp, trong đó có 67 lô chung cư đang trong tình trạng hư hỏng nặng cần khẩn trương tổ chức cải tạo, di dời. Nguyên nhân của tình trạng trì trệ này đã được các cơ quan chức năng mổ xẻ, trong đó, tựu trung lại là cả người dân là chủ sở hữu, cả doanh nghiệp là chủ đầu tư đều chưa cảm thấy thỏa mãn với quyền lợi của mình, còn các cơ quan quản lý nhà nước thì chưa tìm được giải pháp nào thực sự hợp lý.

Trong khi đó, các công trình vẫn tiếp tục xuống cấp từng ngày, mối nguy hiểm đối với tính mạng người dân cũng đang ngày một cận kề. Mặc dù những vụ việc như sập nhà biệt thự 107 Trần Hưng Đạo, Hà Nội làm chết nhiều người hồi tháng 9 năm 2015 là một tiếng chuông cảnh báo khiến người dân và chính quyền giật mình, nhưng rồi, sự giật mình ấy đã nhanh chóng bị cuốn trôi bởi bộn bề công việc hàng ngày. Theo ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, có lẽ cả chính quyền và người dân đều chưa lường được hết mối nguy hiểm đang tiềm ẩn trong các công trình cũ. Bởi, mối nguy hiểm dù đã được “chỉ mặt, đặt tên” nhưng nó chưa thực sự được định lượng. Và khi chưa được định lượng, chính quyền sẽ còn tiếp tục thiếu kiên quyết trong  xử lý,  người dân thì còn tiếp tục chung sống với tử thần.

Không thể kéo dài hơn nữa tình trạng này, Chỉ thị mới nhất của Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Xây dựng và các cơ quan chức năng dứt khoát phải định lượng những mối nguy hiểm bằng cách tổng rà soát, thống kê, đánh giá, kiểm định an toàn chịu lực đối với các nhà chung cư, nhà biệt thự, trụ sở làm việc, công trình công cộng và các công trình xây dựng khác có dấu hiệu nguy hiểm, mất an toàn tại các đô thị trên cả nước. Việc làm này phải hoàn thành theo các mốc thời gian cụ thể. Theo đó, các địa phương phải phân loại, xác định nhà ở và các công trình công cộng có nguy cơ, dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn chịu lực để đưa vào diện cần kiểm định chất lượng xong trước 31-12-2016. Sau đó, phải tiến hành kiểm định mức độ an toàn chịu lực đối với nhà ở và các công trình công cộng có nguy cơ, dấu hiệu nguy hiểm xong trước ngày 31-12-2017. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu, sau khi kiểm định, các công trình nguy hiểm, hư hỏng nặng có nguy cơ bị sập đổ phải dừng khai thác, sử dụng và di dời người dân. Những công trình chưa thuộc diện phải phá dỡ thì phải được khắc phục, gia cường, gia cố và thực hiện các biện pháp cần thiết khác để đảm bảo an toàn trong việc sử dụng.

Cùng với chỉ thị này, việc thực hiện Nghị định của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư vừa được ban hành cũng được kỳ vọng sẽ chấm dứt sự trì trệ trong xử lý các công trình xây dựng cũ hiện nay. Trong đó, điểm mấu chốt về cơ chế, chính sách là Nhà nước sẽ ra tay mạnh mẽ hơn. Cụ thể, nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại mà hết thời hạn quy định, nhưng các chủ sở hữu không lựa chọn được doanh nghiệp thực hiện phá dỡ, xây dựng lại thì Nhà nước thực hiện việc cưỡng chế phá dỡ để trực tiếp đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đó bằng nguồn vốn quy định tại khoản 3 điều 36 của Luật Nhà ở. Với nghị định này, người dân có nhu cầu tái định cư tại chỗ cũng phấn khởi hơn với quy định 2 hộ khẩu/căn hộ trở lên thì ngoài phần diện tích nhà ở mới được bố trí theo quy định sẽ được ưu tiên mua thêm căn hộ tại cùng địa điểm theo giá thỏa thuận. Vấn đề còn lại là, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ không phải chỉ là trách nhiệm của thành phố, các cấp chính quyền mà còn là trách nhiệm của cả người dân trong khu vực. Vì vậy, người dân cũng cần đặt vấn đề an toàn và lợi ích chung lên hàng đầu khi thỏa thuận thực hiện cải tạo các khu chung cư, công trình cũ.

MINH DUY

Tin cùng chuyên mục