Bốn mươi năm hòa bình - thời gian tuy dài đối với một đời người nhưng thật ngắn ngủi so với quá trình xây dựng và phát triển của một đất nước vốn đã bị chiến tranh tàn phá lâu dài. Vậy mà, trong thời gian ngắn ngủi đó, đất nước ta, dân tộc ta đã làm nên biết bao kỳ tích, đặc biệt là những công trình xây dựng hạ tầng đô thị. Một trong những thành tựu then chốt là công trình giao thông quy mô lớn mang tên “Nam Sông Hậu”, còn gọi là đường 91C, đã góp phần đưa miền Tây Nam bộ phát triển bền vững.
Lễ thông xe đường Nam Sông Hậu ngày 9-3-2011 (nguồn dienanhbaclieu.net)
1. Đường Nam Sông Hậu dài 147km, đi ngang qua một vùng quê bạt ngàn, một vùng đất vốn dĩ nghèo nàn, đò ngang cách trở, phương tiện giao thông chưa có. Cũng chính vì giao thông cách trở mà người xưa mới thở than: “Hỡi anh đi đường cái quan/ Dừng chân đứng lại em than đôi lời/ Đi đâu mà vội anh ơi!/ Cho em nhắn gửi mấy lời nhớ thương”.
Dự án Nam Sông Hậu do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, khởi công ngày 19-5-2005 và thông xe vào ngày 9-3-2011 với tổng mức đầu tư 3.296 tỷ đồng. Đây là con đường quy mô xây dựng cấp 3 đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/giờ, bắt đầu từ giao điểm quốc lộ 91B tại quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ chạy qua tuyến cầu dẫn Cần Thơ rồi thẳng theo bờ Nam sông Hậu, xuyên qua 4 tỉnh: Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và cuối đường được nối liền với quốc lộ 1A. Toàn tuyến đường có tất cả 39 cây cầu, gồm 6 cầu nhịp lớn, 10 cầu lớn và 23 cầu trung, nhỏ. Trong đó, những cây cầu hoành tráng nhất là cầu Cái Cui, ranh giới giữa Cần Thơ và huyện Châu Thành - Hậu Giang; cầu Cái Côn, nối liền Hậu Giang với Sóc Trăng.
Tôi đã từng đi qua nhiều quốc lộ, nhiều đường liên tỉnh nhưng chưa có con đường nào mang lại cho tôi một cảm giác êm đềm và nhiều ấn tượng mỹ cảm như đường Nam Sông Hậu. Nếu tính từ vòng xoay cầu Cần Thơ cho tới cảng Cái Cui, người đi ai cũng cảm thấy ngỡ ngàng trước một đô thị mới với nhiều nhà cao tầng, nhà hàng, quán ăn nối tiếp nhau, trải dài, nguy nga và tráng lệ. Càng hướng về phía Hậu Giang và Sóc Trăng, không gian càng thoáng đãng và nên thơ, quyến rũ nhất là những cánh đồng lúa cò bay thẳng cánh. Mặc dù chiến tranh đi qua đã lâu rồi nhưng trên đường đi, chúng ta vẫn còn nghe râm ran nhiều câu chuyện thần kỳ về thời đánh Mỹ, nhiều địa danh quen thuộc, từng ăn sâu vào ký ức người miền Tây như Cái Cui, Cái Dầu, Cái Sâu, Mái Dầm, Bùng Binh, Bến Bạ, Mỏ Ó… lần lượt hiện về như một cuốn phim nhiều tập. Cảnh quan hai bên đường nơi nào cũng đẹp như tranh họa đồ. Đứng trên cầu Đại Ngãi dài 476m, thuộc huyện Long Phú - Sóc Trăng, nhìn những hàng dừa nghiêng nghiêng cao vút và những dãy nhà nhấp nhô hai bên bờ sông, chúng ta cảm thấy quê hương mình thật yên ả và thanh bình. Càng đi, chúng ta càng khám phá thêm nhiều điều thú vị, có khi ngang qua những thị trấn, thị tứ sầm uất, cũng có khi cả một đoạn dài chỉ thấy toàn ruộng rẫy và vườn tược sum suê, không còn “cỏ lau rậm rạp, nhung nhúc những rắn nước, rắn độc, cá sấu…” như nhà văn Sơn Nam đã nhắc đến trong cuốn Tìm hiểu đất Hậu Giang thuở nào.
Khi đến địa phận Trần Đề là điểm cuối của bờ sông Hậu, con đường lại tiếp tục ôm bờ biển Đông, nơi đây ít ruộng vườn nhưng lại là “lãnh địa” của tôm sú với hàng ngàn vuông tôm chạy dài ngút mắt. Tiếp theo là đoạn đường từ Mỹ Thanh đi Vĩnh Châu, quê hương của củ hành tím nổi tiếng nhất vùng Tây Nam bộ với diện tích sản xuất trên 500ha. Nơi đây có 3 dân tộc anh em cùng sinh sống Kinh - Hoa - Khmer với một bề dày văn hóa rất đáng cho chúng ta tìm hiểu.
2. Theo cụ Vương Hồng Sển, đường sá ở Nam kỳ lục tỉnh trước kia chưa có nhiều, giao thông đều trông cậy vào sức người, sức ngựa hoặc vào đường nước có sẵn. Nhiều người kể rằng lúc chưa có cầu, người dân từ Vĩnh Châu - Sóc Trăng muốn xuống Bạc Liêu phải đi xe đò mất 4 - 5 giờ hoặc đi tàu thủy cũng mất cả buổi do phải “lụy đò” vì dọc đường tàu còn ghé qua nhiều bến bãi chờ rước khách. Bà con miệt vườn muốn đưa nông sản ra chợ phải đi vòng vo, mất thời giờ khiến hàng hóa hư hao, xuống cấp. Càng lùi về quá khứ, con người càng bị ngăn sông cách trở “Sông sâu sào vắn khó dò/ Muốn qua thăm bạn ngặt đò không đưa”. Khổ nhất là thầy cô giáo và các em học sinh vì phải chờ đò nên thường xuyên đến lớp muộn. Bây giờ, đã qua rồi cái thời đò giang cách trở. Con đường Nam Sông Hậu đã mang lại cho người dân biết bao tiện ích, cuộc sống ngày càng thoải mái hơn.
Không ai có thể ngờ rằng một vùng đất từng trải qua chiến tranh ác liệt, đâu đâu cũng thép gai, hàng rào chiến lược, lô cốt, đồn bót dày đặc, giờ có con đường đi qua, bỗng dưng bừng sáng, đất trời nở hoa, cảnh vật trở nên xinh xắn, hữu tình. Sự đổi thay kỳ diệu như thế khiến nhiều người không khỏi giật mình. Nhà thơ Xuân Diệu đã cảm nhận: “Nơi xa nhất lại là nơi gần nhất”. Đúng như thế. Đối với tôi, đường Nam Sông Hậu tuy xa về cây số nhưng lại rất gần về tâm tư tình cảm vì mỗi dòng sông, bến nước, mỗi cây cầu và xóm ấp mà tôi đi ngang qua đều có một câu chuyện hiền hòa và thú vị về tên đất, tên làng, về một chứng tích lịch sử oai hùng. Trên con đường uốn lượn, tôi ngồi sau xe một người bạn, vừa ngắm nhìn phong cảnh vừa tri ân những người mở đường. Tôi thầm nghĩ công trình này đã biến ước mơ từ bao đời của người nông dân miền Tây thành hiện thực.
Từ ngày khai thông, con đường Nam Sông Hậu đóng vai trò như một bệ phóng để mọi ngành phát triển. Điển hình như cảng cá Trần Đề đã phát huy được hiệu quả, giao thương thuận lợi, cá tôm lưu chuyển dễ dàng, vững bước đi vào tương lai.
3. “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Câu nói thật chí lý. Nhờ có con đường Nam Sông Hậu, tôi mới nhận ra đây là một cung đường đệ nhất miền Tây, không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông vận tải mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực phía Nam sông Hậu. Chúng tôi thầm phục trí tuệ và tầm nhìn, sức nghĩ của lãnh đạo các tỉnh Tây Nam bộ, đã thiết kế một quốc lộ tầm cỡ mang tính chiến lược, giúp mạng lưới giao thông ngày càng phát huy thế mạnh, bảo đảm an ninh quốc phòng, đồng thời tạo ra được nguồn lực kinh tế dồi dào, văn hóa xã hội cũng khởi sắc đi lên.
Trong buổi lễ khánh thành tuyến đường, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã khẳng định: “Đường Nam Sông Hậu không chỉ là một công trình giao thông trọng điểm mà còn tạo ra tiềm năng phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp, du lịch dịch vụ, an ninh quốc phòng, hỗ trợ giáo dục đào tạo và chăm sóc sức khỏe người dân Tây Nam bộ và cả nước”.
Ngày nay, dọc theo toàn tuyến đường đã khoác lên mình một chiếc áo mới, diện mạo mới, hầu hết các thị tứ đều đông vui, trù phú, bến sông, bến chợ sầm uất, xuồng ghe tấp nập, nhất là tại các chợ vàm như vàm Cái Côn, vàm Rạch Vọp lúc nào quán sá cũng sung túc, phố chợ sum vầy. Du khách đi trên đường Nam Sông Hậu, nhất là bằng xe gắn máy, sẽ có dịp dừng chân tham quan nhiều di tích lịch sử văn hóa, cụ thể như Khu di tích tưởng niệm Nam kỳ khởi nghĩa gần cầu Mái Dầm (Hậu Giang); di tích Chiến thắng Xẻo Me ở xã Vĩnh Phước (Sóc Trăng) và rất nhiều đình, chùa, miếu cổ kính dọc theo hai bên đường.
Cũng nhờ có quốc lộ này mà người dân có điều kiện tiếp cận với cuộc sống mới vui vẻ và tự hào. Con đường còn tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tự thiết kế những tour dã ngoại hoặc du lịch về nguồn, du lịch sinh thái. Ai muốn viếng thăm đền thờ Bác Hồ thì xuống phà qua Cù lao Dung (Sóc Trăng); ai muốn tham quan vườn cây trái sum suê đi đò qua cồn Mỹ Phước; ai thích không khí mát lành thì đến với Mỏ Ó - mảnh đất cuối cùng của Sóc Trăng với những khu rừng bần bạt ngàn. Nơi đây, một bên là biển xanh hiền dịu, một bên là vuông tôm trùng trùng điệp điệp, không khí thật bình lặng, mọi người tha hồ nhìn ngắm. Khu du lịch Mỏ Ó - Trần Đề còn có một món đặc sản vang danh thiên hạ, đó là con đuông chà là, dù là đuông nướng hay lăn bột chiên cũng được xếp vào đẳng cấp “độc nhất vô nhị” ở miền Tây.
Từ con đường Nam Sông Hậu, chúng ta cũng có thể rẽ sang nhiều địa phận khác nhau để tham quan ngắm cảnh, thăm các di tích lịch sử và hướng về cội nguồn như Cái Cui, thị trấn Long Phú, Đại Ngãi, Cái Côn… Hầu như nơi nào cũng bình dị, thân thương và gần gũi. Dù đi bộ, cưỡi xe máy hay ngồi ô tô, người đi cũng đều cảm thấy thoải mái, thư giãn, nhất là các đoạn đường có nhiều cây xanh bóng mát.
Hiện nay, dọc theo bờ Nam sông Hậu, nhiều dự án công nghiệp đã và đang hình thành, mở ra hướng phát triển mới cho vùng đất này, điển hình như Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 (cách cửa Đại Ngãi 1km). Tại xã Phú Hữu A, huyện Châu Thành - Hậu Giang cũng đã khởi công dự án cơ sở hạ tầng Trung tâm Điện lực sông Hậu giai đoạn 1. Ít ai ngờ rằng trên vùng đất lau sậy, bùn lầy, thuần nông ngày nào nay lại nhộn nhịp, bừng lên một sức sống đầy năng động như thế. Thật hạnh phúc thay cho người miền Tây!
HOÀI PHƯƠNG