Hoài Như, 23 tuổi, nội trợ, có một con trai 3 tuổi, đến Trung tâm tham vấn tâm lý để được điều trị chứng ăn vô độ tâm thần. Các vấn đề của cô bắt đầu từ 1 năm qua, khi chồng cô, phó giám đốc kinh doanh của một công ty liên doanh lớn, rời bỏ mẹ con cô. Hoài Như luôn bận tâm đến cơ thể, lo sợ người chồng bỏ rơi cô là do cô không còn hấp dẫn như thời con gái. Cô bắt đầu ăn kiêng với mong muốn làm giảm nhiều cân. Sau thời gian đó, cô thấy mình có biểu hiện háo ăn bánh ngọt, socola,… khi thấy đói và rồi lại tự gây nôn sau giai đoạn ăn vô độ. Trong thời gian trước khi tìm đến điều trị, cô có tâm trạng căng thẳng, lo lắng, stress. Gần đây, cô bị ngất trong một lần tập thể dục quá sức, chính vì vậy cô rất lo sợ, và phải nhờ đến sự giúp đỡ của các nhà chuyên môn.
Chứng ăn vô độ tâm thần là một kiểu hành vi chu kỳ với đặc điểm là có giai đoạn ăn thái quá rồi mất tự kiểm soát kết hợp với cảm giác tội lỗi và hổ thẹn. Người mắc bệnh luôn ở trong khuôn khổ trọng lượng bình thường hoặc hơn dưới trọng lượng trung bình một chút nhưng họ cảm thấy béo và không hấp dẫn. Họ ăn kiêng nhằm kiểm soát thân thể, nhưng do bị đói nên có các giai đoạn, thường ngắn, họ ăn một số lượng quá nhiều thức ăn dễ tiêu. Quá xấu hổ và sợ bị béo, họ tạm thời ngừng ăn hoàn toàn, có thể luyện tập quá mức và thường gây nôn hoặc lạm dụng thuốc để thanh lọc bản thân ở mức độ cực đoan nhất.
Tuổi khởi phát chứng ăn vô độ tâm thần khoảng 18 - 20, chủ yếu gặp ở thanh thiếu niên, nữ thường chiếm đa số hơn nam.
Các biểu hiện lâm sàng
- Trong một khoảng thời gian hạn chế (ví dụ 1 - 2 giờ), người bệnh ăn một lượng thực phẩm quá nhiều hơn lượng thực phẩm mà đa số mọi người cùng ăn trong cùng một thời gian tương tự, trong cùng một hoàn cảnh.
- Có cảm giác mất kiểm soát hành vi ăn uống (ví dụ cảm giác không thể ngừng ăn hoặc không thể kiểm soát mình ăn gì và ăn bao nhiêu).
- Người bệnh có những hành vi bù trừ không thích hợp nhằm báo trước sự lên cân như: kích thích ói, lạm dụng chất nhuận trường, thuốc lợi tiểu, thụt tháo hoặc các loại thuốc khác, nhịn đói, tập luyện thể dục quá mức.
- Thường kèm theo các biến chứng cơ thể như mất nước, răng bị xói mòn, suy giảm nhịp tim, giảm K+ máu…
- Các cơn ăn vô độ và hành vi bù trừ không thích hợp xảy ra trung bình ít nhất 2 lần/tuần trong vòng 3 tháng.
Nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới một chứng háo ăn tâm thần, đó có thể là do người bệnh có một tiền sử bệnh lý béo phì, tự ti về hình dáng cơ thể. Đôi khi là do lời bình luận của gia đình, bạn bè xung quanh về trọng lượng và hình dáng kèm theo một bệnh sử gia đình có rối loạn ăn uống. Bên cạnh đó, do áp lực của xã hội về một thân hình mảnh mai một cách không thực tế, nhiều phụ nữ không bằng lòng với cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh của mình. Tuy nhiên, đa số không phát triển thành bệnh, chỉ những phụ nữ nào có nhân cách không ổn định hoặc đang trong giai đoạn stress trường diễn, quá tự ti với chính bản thân mình, mới có nguy cơ mắc bệnh cao.
Điều trị
Việc chẩn đoán và điều trị chứng ăn vô độ tâm thần phải được các chuyên gia tâm thần xác định.
- Điều trị hóa dược phải được các bác sĩ tâm thần chỉ định. Các chất ức chế thu hồi serotonin (SSRIs) có thể làm giảm triệu chứng nhưng thường tái phát một khi ngừng điều trị.
- Liệu pháp tâm lý được dùng chủ yếu trong trường hợp này: nhận thức hành vi là chủ yếu, liệu pháp hệ thống, liệu pháp thư giãn luyện tập, giải thích hợp lý.
Kết quả điều trị thường thuận lợi, tỷ lệ tử vong thấp. Một nửa số người được khám và điều trị thường phục hồi hoàn toàn, trong khi 15% còn bệnh nặng.
LÊ MINH CÔNG
(Phó trưởng khoa Tâm lý lâm sàng, Bệnh viện
Tâm thần Trung ương 2, Biên Hòa, Đồng Nai)