Trong những ngày kỷ niệm 85 Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng tôi đến thăm lại ngôi Nhà số 90 Thợ Nhuộm - nơi đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng viết Dự thảo “Luận cương chính trị 1930”. Điều đặc biệt là trụ sở làm việc của Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội hiện nay cũng đặt ở Nhà số 90 Thợ Nhuộm, rất tiện cho việc quản lý di tích này, “giúp cho ngôi nhà luôn ấm cúng” như lời của chị Nguyễn Thị Thủy, Phó Ban quản lý di tích danh thắng Hà Nội tâm sự.
Di tích đặc biệt
Nhà số 90 Thợ Nhuộm là một trong những di tích đặc biệt của Hà Nội, bởi nguồn gốc đặc biệt cũng như dấu ấn lịch sử của nó. Ngôi nhà số 90 có kiến trúc theo kiểu biệt thự, 4 tầng, ở góc ngã tư Hàng Bông - Thợ Nhuộm - Quang Trung, xưa là Đại lộ Jaurégui Berry. Phía sau là hàng rào sắt và cổng sắt kiên cố. Trong hàng rào sắt lại có trồng một hàng rào dâm bụt dày và cao khiến ngôi nhà càng thêm kín đáo. Đây là nhà riêng của Bertheur, thanh tra sở tài chính trung ương, trực thuộc Phủ toàn quyền Đông Dương.
Các đoàn khách bên tượng đồng chí Trần Phú ở số nhà 90 Thợ Nhuộm.
Gia đình Bertheur có hai vợ chồng và một con gái nhỏ ở 3 tầng trên, còn tầng hầm là chỗ ở và làm việc của những người làm công, gồm bếp chính, bếp phụ, bồi bàn, bồi giặt, khâu đầm và kéo xe. Sau khi tìm hiểu kỹ về tòa nhà này và nhờ sự giúp đỡ của đồng chí Tạ Văn Bân (người nấu bếp trong tòa nhà), cơ quan Thường vụ Trung ương Đảng đã chuyển đến đây vào đầu tháng 4-1930. Đồng chí Trần Phú từ Liên Xô về nước được bố trí ở tại tầng hầm và được giao nhiệm vụ dự thảo bản Luận cương chính trị của Đảng. Trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 9-1930, cơ quan Thường vụ Trung ương Đảng và đồng chí Trần Phú đã được đồng chí Tạ Văn Bân và những quần chúng giác ngộ ở đây bảo vệ an toàn. Chính tại đây, đồng chí Trần Phú đã dự thảo bản Luận cương chính trị của Đảng. Với văn kiện này, công nhân và nhân dân Việt Nam đã có một Cương lĩnh cách mạng phản ánh đúng quy luật khách quan của xã hội Việt Nam lúc bấy giờ, đáp ứng được những đòi hỏi cấp bách của lịch sử.
Ngôi nhà được Thành ủy - Ủy ban hành chính TP Hà Nội, Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội coi là một trong những di tích quan trọng ngay từ năm 1960. Năm 1980, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Đảng, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã tới thăm và cắt băng khánh thành bức tượng đồng chí Trần Phú. Bức tượng bán thân bằng đồng đặt tại vườn hoa phía sân trong của ngôi nhà giờ đây vẫn nghi ngút khói hương vào những ngày lễ trọng. Đến thăm ngôi nhà 90 Thợ Nhuộm hiện nay, chúng ta có thể gặp lại ngôi biệt thự Pháp vẫn còn nguyên vẹn. Tầng hầm đó vẫn được xếp đặt đúng như thời kỳ đồng chí Trần Phú làm việc tại đây.
Học lịch sử ngay tại di tích
Theo chị Nguyễn Thị Thủy, ngôi nhà được Ban quản lý di tích danh thắng Hà Nội trông coi, luôn luôn ấm cúng. Vào những dịp kỷ niệm đặc biệt như ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày sinh đồng chí Trần Phú (1-5-1904), lễ tết.. ngôi nhà lại đón các đoàn cán bộ của Trung ương, Thành ủy Hà Nội, các quận, huyện, phường trên địa bàn thủ đô cũng như du khách khắp nơi đến tham quan, dâng hương ở tượng đài Trần Phú.
Đặc biệt, để Nhà lưu niệm 90 Thợ Nhuộm không bị lãng quên, Ban quản lý di tích danh thắng Hà Nội luôn nỗ lực có những hoạt động kết nối để thu hút ngày càng đông người đến tham quan. Ngoài những hoạt động thăm, dâng hương đã thành nếp vào các dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng, sinh nhật đồng chí Trần Phú, đây cũng là nơi thường xuyên lui đến của các em học sinh, sinh viên, các đoàn viên của cơ quan, đoàn thể trên địa bàn trong những dịp kết nạp Đảng, làm lễ trưởng thành đoàn. Đặc biệt, Ban quản lý di tích danh thắng Hà Nội đã tổ chức kết nghĩa với 5 trường học mang tên đồng chí Trần Phú trên địa bàn Hà Nội để học sinh thường xuyên tổ chức hoạt động học lịch sử tại ngôi nhà này. Đồng thời, hàng tháng các em cũng đến chăm lo cho ngôi nhà luôn sạch đẹp, ấm cúng. “Chúng tôi đang lên ý tưởng kết nối với các trường học để học sinh có những buổi học lịch sử ngay tại di tích. Chắc chắn việc học lịch sử như vậy sẽ hấp dẫn các em hơn. Đó cũng là cơ hội để chúng tôi phát huy được giá trị của di tích”, chị Nguyễn Thị Thủy cho biết.
Hiện nay, chi bộ khu phố Thợ Nhuộm với nhiều đảng viên nguyên là cán bộ cao cấp lấy số nhà 90 này làm nơi họp chi bộ hàng tháng. Đó cũng là một điều mà Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội thấy hạnh phúc, bởi “hơn ai hết, chúng tôi chỉ muốn càng nhiều người đến ngôi nhà - địa chỉ đỏ này càng tốt” như lời chị Thủy tâm tình.
LÂM NGUYÊN - VĨNH XUÂN