Một đời theo Đảng

Là một tri thức trẻ với bao hoài bão và nhiều con đường để đi, nhưng chàng trai Đặng Thuận Hòa (ảnh, sinh năm 1946 tại Bến Tre) ngày ấy chọn con đường theo cách mạng. Với mong muốn được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông đã nỗ lực phấn đấu, tích cực học tập và không ngại hy sinh bản thân để hoàn thành nhiều nhiệm vụ khó khăn hơn cả vị trí thông dịch viên của mình.
Một đời theo Đảng

Là một tri thức trẻ với bao hoài bão và nhiều con đường để đi, nhưng chàng trai Đặng Thuận Hòa (ảnh, sinh năm 1946 tại Bến Tre) ngày ấy chọn con đường theo cách mạng. Với mong muốn được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông đã nỗ lực phấn đấu, tích cực học tập và không ngại hy sinh bản thân để hoàn thành nhiều nhiệm vụ khó khăn hơn cả vị trí thông dịch viên của mình.

Quyết tiến bước

Mở đầu câu chuyện, ông Thuận Hòa bảo chưa bao giờ thấy ân hận với quyết định của mình năm ấy. 18 tuổi, cái tuổi thật đẹp và đầy mơ ước, lại vừa tốt nghiệp tú tài với bằng loại giỏi, ông phải đưa ra một quyết định lớn của đời mình: Ở lại tiếp tục học tập và sống êm ấm bên gia đình hay sẽ lên đường theo cách mạng. Với truyền thống kháng chiến của gia đình, ông chọn điểm đến là Tổng trại tù hàng binh Mỹ Ngụy và chư hầu (tại tỉnh Tây Ninh) để làm thông dịch viên theo lời giới thiệu của đồng chí Bảy Dự (Nguyễn Võ Danh), Phó Ban binh vận miền Nam lúc bấy giờ.

Ngày lên đường, ông Hòa cứ nghĩ, làm thông dịch thì ai nói gì mình dịch nấy, với lợi thế biết 2 thứ tiếng Pháp - Anh, ông tự tin mình sẽ hoàn thành công việc dễ dàng. Công việc đầu tiên của ông là phiên dịch buổi làm việc của tù binh với ban chỉ huy, ông bỡ ngỡ với những kiến thức về quân sự, những từ ngữ quá chuyên môn.

Trong buổi thử sức đầu tiên ấy, đã có nhiều lúc ông phải dừng lại để lục tìm kiến thức. Sau buổi đó, ông bắt đầu nản chí. Tự chất vấn bản thân rằng có lẽ bấy lâu nay mình tự tin thái quá vào kiến thức có được. “Sau một đêm tự kiểm điểm, tôi nghĩ đây chỉ là những bỡ ngỡ ban đầu, nếu mình bỏ cuộc thì có lỗi với cha mẹ, lòng tin tưởng của các đồng chí. Đã quyết tâm đi là phải phấn đấu đến cùng”, ông Hòa nhớ lại.

Vậy là ông bắt tay vào bổ sung thêm vốn từ bằng cách tự học qua sách báo. Không chỉ phiên dịch, công việc hàng ngày của ông là tiếp xúc tù binh trong trại để xem nhu cầu của họ là gì. Qua nhiều lần gặp gỡ, chính tình cảm và sự gần gũi của ông đã giúp nhiều tù binh có cái nhìn đúng đắn hơn về cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam. Ông cũng học cách để giúp các phái đoàn, báo chí gặp gỡ, khai thác thông tin từ tù binh. Không chỉ trong nội bộ mà khi có các cuộc đàm phán, trao trả tù binh,… ông cũng tham gia.

Nhiều người nghĩ làm phiên dịch, không trực tiếp cầm súng chiến đấu thì không nguy hiểm đến tính mạng. Thế những, nhiệm vụ của ông luôn đối diện với những hiểm nguy trong gang tấc. Ông kể: “Năm 1966, tại Trảng Tà Xia (tỉnh Tây Ninh), ta thực hiện trao trả 3 tù binh Mỹ. Theo thỏa thuận 6 giờ sẽ thực hiện trao trả thì trước đó 1 giờ Mỹ đã cho hàng trăm trực thăng bay đến bắn phá khu vực và bay rợp trời. Khi đó nhóm trao trả có cả phóng viên trong nước và quốc tế vậy mà Mỹ chỉ cho ta trong vòng 1 giờ để ra khỏi vùng cấm. Lần đó tôi và nhiều đồng chí phải chạy đến biên giới Campuchia để tránh và cứ tưởng mình không còn mạng để trở về”. Ông cho biết động lực để mình vượt qua lửa đạn chính là lời dặn của má ngày ông lên đường, rằng đã chọn con đường vì nước, vì dân thì phải bước tới cùng dù có phải hy sinh tính mạng.

Tự hào là đảng viên

Gần 43 năm tuổi Đảng, cũng ngần ấy năm ông tự hào mình là một đảng viên. Ông bảo, khi mới vào tổng trại, nhìn thấy không khí trang nghiêm, thiêng liêng của những buổi kỷ niệm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ông nuôi quyết tâm phải phấn đấu hơn nữa để trở thành một đảng viên. Tinh thần tự học hỏi của ông rất cao, với suy nghĩ không học sẽ bị lùi bước, ông tranh thủ đọc sách những lúc rảnh rỗi. Từ các đồng chí đi trước, ông học ở họ tinh thần chiến đấu, sự trung thành với Đảng. Các nhiệm vụ được giao, dù khó khăn, nguy hiểm đến mấy ông cũng cố gắng hoàn thành.

Với ông Hòa, vinh dự lớn nhất của cuộc đời mình chính là được đứng vào hàng ngũ của Đảng vào ngày 3-8-1972, ngay trong chiến khu, nơi mưa bom, lửa đạn. “Tôi đã mất ngủ cả đêm khi biết sáng mai mình được kết nạp vào Đảng. Đủ các cảm xúc xen lẫn nhau. Vừa hãnh diện, vừa lo lắng và nôn nao chờ đợi. Giây phút được nhìn vào lá cờ Đảng, giơ tay đọc lời tuyên thệ tôi thấy thật thiêng liêng và dường như mình đã có thêm động lực mạnh mẽ để tiếp tục chiến đấu”, ông Hòa chia sẻ.

Nhờ học tập tư tưởng của Đảng, sống là cống hiến, nên dù tuổi đã cao, ông vẫn hàng ngày trao dồi thêm kiến thức về pháp luật để giúp đỡ bà con trong và ngoài khu phố khi họ cần đến ông. Khi ai có nhu cầu về thủ tục liên quan đến pháp luật, cần dịch thuật, ông đều sẵn lòng hỗ trợ. Trong suy nghĩ của mình, ông Hòa luôn tâm niệm, nhờ Đảng mà ông và gia đình được ấm no, sống hạnh phúc nên giờ đây được làm những việc có ích cho nhân dân chính là cách ông trả ơn cho Đảng.

THÁI PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục