Cấp riêng giấy phép lái xe ô tô số tự động

Quy định mới nhất của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) kể từ ngày 1-1-2016 trên cả nước sẽ áp dụng cấp riêng giấy phép lái xe (GPLX) cho xe số tự động.
Cấp riêng giấy phép lái xe ô tô số tự động

Quy định mới nhất của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) kể từ ngày 1-1-2016 trên cả nước sẽ áp dụng cấp riêng giấy phép lái xe (GPLX) cho xe số tự động.

Nhu cầu lớn

Theo thông báo từ Tổng cục đường bộ (Bộ GTVT), GPLX hạng B1 số tự động chỉ cấp cho những người lái ô tô số tự động chở người tối đa 9 chỗ ngồi hoặc lái ô tô tải và ô tô chuyên dùng số tự động có tải trọng thiết kế dưới 3,5 tấn (không kinh doanh) và không được dùng để điều khiển ô tô số sàn.

Người dân nhận giấy phép lái xe tại Phòng Quản lý sát hạch và cấp giấy phép lái xe Sở GTVT TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Quy định này của Bộ GTVT đã đánh trúng “chỗ ngứa” lâu nay của không ít người dân có nhu cầu. Theo cách nói của ông Võ Trọng Nhân, Trưởng phòng Quản lý sát hạch và cấp GPLX thuộc Sở GTVT TPHCM, quy định mới này tạo điều kiện cho người dân có nhu cầu học lái xe có thêm cơ hội lựa chọn phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của mình. “Việc đào tạo, sát hạch và cấp GPLX riêng cho người chỉ có nhu cầu dùng xe số tự động sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, đồng thời phù hợp xu hướng phát triển”, ông Nhân nhấn mạnh. Trên thực tế, nhiều người dân đón nhận tin này với sự thích thú. Đơn giản là vì lâu nay, nhiều người chỉ có nhu cầu lái xe số tự động phục vụ sinh hoạt cá nhân, gia đình nhưng tuyệt nhiên không có cơ sở đào tạo lái xe nào dạy riêng biệt xe số tự động mà bắt buộc học viên học lái xe phải học qua số sàn rồi sau đó mới được học thêm về xe số tự động. Đây là một bất hợp lý gây nhiều phiền hà cho những người có nhu cầu chỉ lái xe số tự động.

Những người có nhu cầu này không phải là hiếm hoi. Bởi vì theo một thống kê không chính thức, hiện nay rất nhiều người dân có nhu cầu mua xe hơi số tự động. Điều này khớp với một thực tế trên thị trường kinh doanh xe hơi đời mới dạng xe số tự động bán rất chạy.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe Hoàng Gia cho rằng, sẽ không có sự giẫm chân lên nhau giữa hai loại GPLX này, bởi vì đối tượng và mục đích sử dụng GPLX là hoàn toàn khác nhau và rất rõ ràng. Người theo học xe số tự động chủ yếu chạy xe gia đình, còn học xe số sàn tập trung vào diện chọn hành nghề kinh doanh vận tải.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hồng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề số 7, đơn vị đảm trách một trung tâm sát hạch lái xe loại 3 nhận xét, có không ít vụ tai nạn giao thông xảy ra lâu nay mà nguyên nhân là do lái xe nhấn nhầm chân ga. “Khi học thì học xe số sàn, khi sắm thì sắm xe số tự động nên đôi khi có sự nhầm lẫn. Bây giờ đào tạo riêng biệt xe số tự động ngay từ đầu thì hợp lý và giúp ngăn chặn sự nhầm lẫn tai hại ấy” - ông Hồng nói thêm.

Sẵn sàng chờ giờ G

Sự lấn lướt của xe số tự động so với xe số sàn trong thị hiếu của người tiêu dùng gần đây cũng không phải là điều khó hiểu bởi vì ưu điểm lớn nhất của xe số tự động là dễ sử dụng hơn rất nhiều so với xe số sàn. Với kinh nghiệm hơn 30 năm trong nghề, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó hiệu trưởng Trường đào tạo lái xe Tiến Bộ nhận xét rằng, trong bài thi sát hạch lâu nay đối với học viên thi lấy bằng lái ô tô, đa phần thí sinh sợ nhất bài xử lý tình huống lên dốc do xe số sàn đòi hỏi phải nhịp nhàng trong động tác điều khiển, nhưng nếu là xe số tự động thì điều này lại trở thành đơn giản. Ưu điểm điều khiển xe dễ dàng thậm chí còn khiến người ta dễ dàng chấp nhận thực tế là xe số tự động hầu hết luôn đắt tiền hơn và tiêu hao nhiều nhiên liệu hơn so với xe số sàn. Chính sự tiêu hao nhiên liệu nhiều hơn so với xe số sàn cũng đã lý giải tại sao giới kinh doanh vận tải hành khách, mà tiêu biểu là taxi, lại không bao giờ dùng xe số tự động.

Một điều chắc chắn là việc áp dụng những đổi mới liên quan đến cấp GPLX cho xe số tự động cũng kéo theo một loạt điều chỉnh, thay đổi từ nội dung đào tạo lái xe cho đến sát hạch. Theo thông báo của Tổng cục đường bộ, người học lái xe số tự động cũng phải tham gia 136 giờ học lý thuyết giống như diện học lái xe số sàn, nhưng phần thực hành của người học xe số tự động chỉ còn 340 giờ so với 420 giờ của xe số sàn. Trong phần lý thuyết, ngoài những nội dung học vẫn giữ nguyên như kết cấu xe, xử lý tình huống, pháp luật, đạo đức lái xe… thì sẽ có những nội dung thay đổi như tăng thời gian đào tạo về xe số tự động, thay đổi sa hình, giáo trình và phương tiện.

Tổng cục đường bộ đã yêu cầu Vụ Phương tiện - người lái chỉ đạo các trung tâm sát hạch, các cơ sở đào tạo lái xe chuẩn bị thích ứng với những sửa đổi liên quan đến xe số tự động, đảm bảo kịp áp dụng đồng loạt và đều khắp trên cả nước từ thời điểm 1-1-2016 đang đến gần. Những chuẩn bị đó của các trung tâm sát hạch lái xe bao gồm điều chỉnh sân, đầu tư ô tô sát hạch lái xe hạng B1 số tự động có thông số kỹ thuật tương đương với ô tô sát hạch hạng B1, B2…

Một vấn đề tất yếu nảy sinh ở các cơ sở đào tạo lái xe đó là giờ đây họ buộc sẽ phải đầu tư phương tiện phục vụ người dân chỉ học xe số tự động. Về việc này, các trường đào tạo lái xe lớn, có tên tuổi ở TPHCM hiện đã chuẩn bị gần như sẵn sàng. Ông Nguyễn Anh Dũng cho biết, vừa mua 4 chiếc Camry và 6 chiếc Innova trong định hướng đầu tư trang bị các dòng xe số tự động mới nhất để phục vụ học viên. Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe Hoàng Gia cho rằng, những nhãn hiệu xe đời mới tiếp tục là chọn lựa của đơn vị để đáp ứng nhu cầu học lái xe số tự động sắp tới của người dân. Trước mắt, cơ sở Hoàng Gia đầu tư 10 chiếc xe số tự động của hai thương hiệu của Toyota là Camry và Vios và sẽ tiếp tục tăng thêm trong năm 2016.

THIỆN NHÂN

Tin cùng chuyên mục