Áo tơi, nón lá

Áo tơi, nón lá

Cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI chứng kiến sự biến mất của khá nhiều vật dụng phổ thông trên đất Việt. Những nồi đồng, cối đá, thúng mủng, giần sàng, quang gánh, cày bừa, áo tơi và nón lá dần chia tay với cuộc sống hiện đại. Các vật dụng đã có mặt hàng ngàn năm trên mảnh đất này bỗng biến mất chỉ trong vài chục năm.

Áo tơi là một trong số ít các đồ vật còn mang nhiều cách thức chế tạo hẳn là phải có từ thời nguyên thủy. Thời của săn bắt hái lượm, ăn ở trong hang và áo quần thì làm bằng vỏ cây. Cho đến tận giữa thế kỷ XX, chiếc áo tơi vẫn được chế tạo bằng lá gồi, lá cọ. Chỉ để khâu nó vẫn bằng sợi guột, sợi móc. Chiếc nón lá cũng được làm bằng những nguyên vật liệu ấy, hoàn toàn bằng thủ công.

Áo tơi ra đồng. Ảnh” C.T.

Nón lá hình chóp tròn được làm bằng lá cọ là phẳng. Người ta dùng chiếc lưỡi cày cũ nung nóng làm bàn là. Chằm bằng chỉ móc. Đồng bằng Bắc bộ có thêm nón thúng quai thao. Vật liệu vẫn thế nhưng hình thù phức tạp hơn nhiều. Nó tựa như chiếc lọng nhỏ chon von trên đầu các liền chị quan họ Bắc Ninh. Nón thúng bây giờ tuyệt đối không còn ai đội ra đường. Chỉ còn ít cái được dùng làm đạo cụ ở đoàn quan họ. Nghe nói đắt tiền hơn bất cứ loại nón đương đại nào hiện hành.

Nón lá phổ thông hình chóp tròn dùng cho cả đàn ông và đàn bà. Đàn ông đội nón lá già. Đàn bà đội nón lá non. Vùng Thanh - Nghệ cho đến Huế có những làng nghề chằm nón nổi tiếng. Nón bài thơ xứ Huế có mấy câu vè cắt giấy khâu chìm giữa hai lớp lá mỏng phải giơ lên ánh nắng mới đọc được. Nón lá của các thôn nữ xứ Bắc được luồn sợi len cầu kỳ làm chỗ buộc quai. Bên trong chóp nón, vài cô còn dùng chỉ khâu vào đấy một mảnh gương nhỏ bằng móng chân cái để soi vết nhọ nồi hoặc kín đáo nặn mụn trứng cá.

Ở Hà Nội bây giờ muốn nhìn thấy chiếc nón lá phải cất công lên tận chợ đầu mối Long Biên vào lúc tang tảng sáng. Giữa ban ngày chỉ có thể thấy chiếc nón làm bằng bìa bán trên Hàng Mã dùng để hóa cho người chết.

Áo tơi được chằm bằng lá cọ già. Nó chỉ như một tấm lợp được ghép nối đuôi nhiều lá khâu kỹ hình vuông. Một đầu chằm gấp thành lỗ xỏ dây đay để buộc trước ngực. “Áo tơi” là một chữ thuần Việt. Nhìn là thấy tơi tả. Giống như lợp nhà lá, áo tơi “lợp” người tránh mưa nắng và chống rét. Dùng vài năm đến lúc mòn mủn thì đem ra ngoài đồng mặc cho bù nhìn đuổi chim.

Áo tơi hoàn toàn vắng mặt đã vài chục năm rồi. Kể từ khi có công nghệ chế tạo ni lông du nhập vào Việt Nam khoảng giữa những năm 60 và phát triển ồ ạt vào thập kỷ 80. Những năm chiến tranh, hàng viện trợ quân sự từ Trung Quốc, Liên Xô, Tiệp Khắc… bao giờ cũng có những tấm ni lông dùng cho binh lính.

Sĩ quan có áo mưa vải bạt tráng cao su bên trong. Lúc ấy có chiếc áo mưa sĩ quan là một niềm vinh hạnh lớn. Nhiều sĩ quan về hưu vẫn mang ra mặc vào dịp tết dù chẳng mưa gió gì. Vài cụ còn đeo lên áo mưa hàng loạt huân, huy chương sáng lấp lánh ra xếp hàng mua tàu hũ mậu dịch. Nhân viên bán hàng thường ưu tiên cho các cụ nhiều huân, huy chương dù chẳng có quy định nào như vậy.

Giờ thì có đến hàng ngàn loại áo mưa bán trên thị trường. Từ chiếc áo mưa khẩn cấp mua dọc đường với giá chỉ vài ngàn đồng cho đến áo mưa cao cấp mua ở cửa hàng thời trang với giá khá cao. Từ áo mưa trẻ con cho đến áo mưa người đi xe máy được thiết kế cầu kỳ có cả nón cho người ngồi sau và ni lông trong suốt ở phần đèn xe. Lại còn bộ quần áo đi mưa mặc như quần áo thường. Đến quán cà phê, đàn ông, đàn bà thản nhiên tụt, trông rất ái ngại.

Xa rồi cái thời áo tơi, nón lá. Chữ “áo mưa” bây giờ cũng không hoàn toàn được hiểu là dùng để đi mưa. Người ta còn dùng chữ “áo mưa” để chỉ một công cụ dùng cho hoạt động tình dục an toàn.

ĐỖ PHẤN

Tin cùng chuyên mục