Áp lộ trình cho giảm thiểu nguồn thải gây ô nhiễm môi trường

Xử lý mạnh tay chủ nguồn thải ô nhiễm
Áp lộ trình cho giảm thiểu nguồn thải gây ô nhiễm môi trường

Để đạt mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường vào năm 2020, nhiều giải pháp sẽ được triển khai thực hiện theo những lộ trình định sẵn. Theo cách này, không chỉ có cơ quan chức năng có trách nhiệm phải đảm bảo đúng tiến độ đầu tư hạ tầng giảm thiểu ô nhiễm môi trường, mà các chủ nguồn thải ô nhiễm bao gồm cộng đồng, người dân đang sinh sống trên địa bàn TPHCM cũng phải thực hiện.

Những ngành nghề sản xuất có nguy cơ phát sinh ô nhiễm môi trường sẽ được kiến nghị để chuyển vào khu chế xuất, khu công nghiệp đã hoàn thiện hạ tầng thu gom và xử lý chất thải.

Xử lý mạnh tay chủ nguồn thải ô nhiễm

Một trong những giải pháp mà người dân cần có sự chuẩn bị trước đó là việc áp dụng tiêu chuẩn về khí thải. Vào đầu năm 2017, với những ô tô đóng mới phải đảm bảo tiêu chuẩn EURO4 về khí thải. Còn xe máy mới sẽ phải đạt tiêu chuẩn EURO3. Việc áp dụng này sẽ để người dân tự thực hiện đến hết năm 2017. Đến đầu năm 2018, các cơ quan chức năng sẽ tiến hành kiểm tra tiêu chuẩn khí thải của xe tham gia lưu thông. Trước tiên, sẽ tiến hành kiểm tra xe có phân khối lớn và tiến tới là xe phân khối nhỏ hơn. Việc xử phạt bằng biện pháp hành chính với những chủ sở hữu phương tiện giao thông không đạt yêu cầu cũng sẽ được áp dụng song song. Điều này xuất phát từ hiện trạng khí thải đang bị báo động về mức độ ô nhiễm. Thống kê thực tế hiện nay cho thấy, trên địa bàn thành phố hiện có 6,8 triệu xe máy, 638.409 ô tô. Các chỉ tiêu khí thải đo được hầu hết đều không đạt quy chuẩn, thậm chí còn tăng hơn so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, 7/11 vị trí đo đạc có nồng độ CO tăng từ 1,11 - 2,18 lần, 11/15 vị trí có bụi tăng 1,02 - 1,64 lần, 8/15 vị trí có NO2 tăng 1,02 - 1,31 lần. Đặc biệt, tiếng ồn do các phương tiện giao thông gây ra với 98,19% số liệu đo đạc vượt quy chuẩn Việt Nam.

Đóng góp vào mức độ gia tăng ô nhiễm không khí còn có các doanh nghiệp (DN) sản xuất. Hiện đang có 50% trong tổng số 830 nguồn thải từ các DN hoạt động trong khu chế xuất, khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý khí thải. Không những thế, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết thêm hiện nay trên địa bàn thành phố có khoảng 3.370 cơ sở sản xuất, thương mại, dịch vụ có lưu lượng nước thải trên 10m3/ngày đêm trở lên. Trong đó, 82,5% nguồn thải có khối lượng nước thải trên 50m3/ngày đêm có hệ thống xử lý nước thải, 69,5% nguồn thải có khối lượng nước thải trên 30-50m3/ngày đêm có hệ thống xử lý nước thải, 60,5% nguồn thải có khối lượng nước thải trên 10-30m3/ngày đêm có hệ thống xử lý nước thải. Do vậy, lộ trình buộc các DN phải chấp hành quy định bảo vệ môi trường sẽ được thực hiện chặt chẽ hơn. Với những chủ nguồn thải là khu chế xuất, khu công nghiệp và DN có khối lượng nước thải trên 1.000m3/ngày đêm trở lên sẽ bị buộc lắp đặt hệ thống quan trắc tự động và kết nối đường dẫn dữ liệu với sở. Những DN chưa đầu tư hệ thống xử lý chất thải sẽ bị tăng cường kiểm tra, xử phạt hành chính kết hợp với buộc hoàn thành hệ thống xử lý chất thải trước quý 1-2017. Trường hợp DN gây ô nhiễm kéo dài không có khả năng khắc phục sẽ bị buộc di dời hoặc chuyển đổi ngành nghề kinh doanh theo hướng không phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường.

Phải tính đến trách nhiệm của cơ quan chức năng

Liên quan đến thực trạng trên, về phía Sở Tài nguyên và Môi trường, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ nhấn mạnh thêm, sở sẽ tham mưu cho UBND TP kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ chỉ cấp phép cho một số ngành sản xuất có nguy cơ phát sinh ô nhiễm cao tại những khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã hoàn thiện hạ tầng. Song song đó, lãnh đạo các quận huyện gấp rút rà soát những DN sản xuất gây ô nhiễm hoặc không phù hợp quy hoạch để dịch chuyển đến những khu tập trung sản xuất an toàn hơn cho môi trường hoặc hướng dẫn, hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề không gây ô nhiễm. Kiểm soát chặt chẽ tránh để phát sinh thêm những DN sản xuất ngành nghề gây ô nhiễm trong khu dân cư. Với những đơn vị có chức năng cấp phép xả thải vào nguồn nước kênh rạch ngoài Sở Tài nguyên và Môi trường phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kiểm tra, giám sát chất lượng nước thải của chủ nguồn thải trước khi thải vào kênh rạch. Riêng về vấn đề xử lý rác thải đô thị, sở đang đẩy mạnh kêu gọi xã hội hóa đầu tư theo hướng ưu tiên lựa chọn những nhà đầu tư có công nghệ xử lý cao như công nghệ đốt rác phát điện hoặc tái chế chất thải.

Không chỉ tập trung gia tăng áp lực lên chủ nguồn thải ô nhiễm mà trong phạm vi chức năng, trách nhiệm của từng cơ quan liên quan, phải nhanh chóng đưa các công trình cải thiện môi trường vào vận hành hoạt động. Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong. Đồng chí Nguyễn Thành Phong cũng chỉ rõ những dự án cần sớm phải được hiện thực hóa là các nhà máy xử lý nước thải đô thị. Hiện chỉ mới có 2 nhà máy là Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Bình Hưng đã đi vào hoạt động. Còn 10 nhà máy theo đúng quy hoạch cần phải có thì chưa kêu gọi được nhà đầu tư.

Trên thực tế, sự chậm trễ đầu tư những dự án này sẽ khiến các mục tiêu kéo giảm ô nhiễm tại hệ thống sông, kênh rạch trên địa bàn thành phố không đạt. Chưa hết, tình trạng ngập tại thành phố khi xảy ra mưa lớn và thủy triều cũng sẽ khó cải thiện. Một vấn đề khác là giải pháp xử lý rác thải cần phải xem xét lại. Tình trạng phát sinh mùi hôi tại những khu xử lý rác đã và đang gây nên những ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người dân, nhất là người dân khu vực huyện Nhà Bè, Bình Chánh và quận 7.

ÁI VÂN

Tin cùng chuyên mục