* Thêm một cơn bão nữa mang tên Choiwan
(SGGP).- Sáng sớm 13-9, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành cơn bão số 8. Do bão hình thành quá nhanh, quy mô lớn nên chiều qua, Ban chỉ đạo PCLB Trung ương đã họp khẩn để bàn các phương án ứng phó với bão số 8.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hiện bão số 8 đã tiến vào khu vực Bắc biển Đông và ảnh hưởng toàn bộ khu vực Bắc và giữa biển Đông, trong đó gồm cả quần đảo Hoàng Sa.
Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, bão số 8 di chuyển với tốc độ rất nhanh, khoảng 20-25 km/giờ, giật cấp 8-9 và còn có thể mạnh thêm. Hiện bão đang di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc và vào ngày 14-9, bão vẫn giữ nguyên tốc độ cũng như hướng di chuyển trên. Do đó, khoảng trưa 14-9, bão số 8 sẽ tiến sát đảo Hải Nam (Trung Quốc), sức gió giật đạt cấp 9.
Theo nhận định ban đầu của các chuyên gia khí tượng thì trong trường hợp hướng bão không đổi, bão số 8 có thể đi xuyên vào khu vực biên giới giữa Việt Nam-Trung Quốc. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhiều sự dị thường diễn ra nên cũng không loại trừ trường hợp bão số 8 dội trực tiếp vào đồng bằng Bắc bộ hoặc vòng quanh đảo Hải Nam như cơn bão số 6 vừa qua.
Cũng theo ông Bùi Minh Tăng, hiện ngoài khơi Philippines cũng vừa hình thành một cơn bão khác có tên gọi quốc tế là Choiwan. Ông Tăng cho biết, bão Choiwan hiện có cường độ cấp 9 và cũng mạnh lên trong vài ngày tới, có thể đạt cấp 12. Đây là một cơn bão mạnh hơn nhiều các cơn bão đã đổ bộ vào vùng biển nước ta trong năm nay.
Như vậy, chỉ trong vòng 2 tuần qua, đã có ít nhất 3 cơn bão đã và đang có nguy cơ ảnh hưởng đến thời tiết nước ta, chưa kể áp thấp nhiệt đới gây mưa lũ lớn ở miền Trung. Sự đổ bộ liên tục của các cơn bão là một hiện tượng dị thường mà trước đây ít khi gặp. Theo nhận định của Bộ NN-PTNT, sự xuất hiện liên tục các cơn bão trên biển trước hết đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động khai thác biển của ngư dân. Do đó, trong hơn 8 tháng vừa qua, sản lượng khai thác biển giảm đáng kể.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo PCLB Trung ương chiều qua, 13-9, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đề nghị, dù cơn bão số 7 không gây ra nhiều thiệt hại song các tỉnh ven biển cần phải đề phòng với bão số 8, quản lý sát sao, theo dõi chặt chẽ các tàu thuyền còn đang trên biển, khẩn trương hướng dẫn bà con ngư dân vào bờ. Các tỉnh miền núi phía Bắc, vùng Đông Bắc bộ cần đề phòng mưa lớn do bão số 8 đổ bộ.
Trong khi đó, các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và một số tỉnh Nam đồng bằng Bắc bộ vẫn đang tiếp tục khắc phục hậu quả nặng nề của áp thấp nhiệt đới và bão số 7 gây ra. Theo Ban chỉ đạo PCLB Trung ương, áp thấp nhiệt đới gần bờ đã khiến các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên thiệt hại tổng cộng 477 tỷ đồng. Trước tình hình trên, các địa phương đang đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành hỗ trợ 169,5 tỷ đồng để mua giống lúa, rau màu và khắc phục cơ sở hạ tầng. Các tỉnh cũng đề nghị Chính phủ trợ cấp cấp thêm 9.000 tấn gạo để cứu đói.
Phúc Hậu
TPHCM: Mưa lớn, nhiều hộ dân bị “cô lập” (SGGP).- Chiều tối 13-9, cơn mưa lớn kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ đã gây ngập nghiêm trọng ở nhiều khu vực thuộc quận 2, 5, 6, 8, 11, Tân Phú, Tân Bình, Bình Thạnh… Ngập và kẹt xe nặng nhất là khu vực đường 3 Tháng 2, Hồng Bàng, An Dương Vương (quận 5, 6, 10)… Tình hình ùn tắc và cảnh xe cộ hỗn loạn phải đến hơn 21 giờ mới được vãn hồi.
Cơn mưa cũng đã khiến 5 hộ dân sống ở khu phố 5 phường Linh Trung quận Thủ Đức TPHCM bị “cô lập” vì ngập nước. Tại đây, có điểm nước sâu đến hơn 1m và tràn vào nhà dân (ảnh) khiến nhiều đồ đạc sinh hoạt của người dân bị nước nhấn chìm. Theo một số người dân, nguyên nhân gây ngập là do khu vực này vốn là vùng trũng nên khi mưa lớn nước từ các nơi đổ về lớn trong hệ thống thoát nước dọc theo tuyến mương trên đường xa lộ Hà Nội không kịp tiêu thoát nước. Ông Nguyễn Văn Em, số nhà 603 cho biết, cách đây 3 ngày đứa cháu của ông đi học về suýt bị chết đuối do đường vào nhà bị ngập nước. Q.Hùng – Đ.Lý |
Các tin, bài viết khác
-
TPHCM tiếp tục nắng nóng trong 3 ngày tới
-
Lại lo ngập khi vào mùa mưa
-
Trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới suy yếu dần thành một vùng áp thấp
-
Ưu tiên vốn đầu tư giao thông khu vực Nam bộ
-
102 triệu USD giúp doanh nghiệp Việt Nam tiết kiệm năng lượng
-
Nâng cao năng lực dự báo và phòng chống thiên tai
-
TPHCM kiến nghị Bộ KH-ĐT đầu tư 36 dự án chống ngập
-
Biển Đông xuất hiện áp thấp nhiệt đới đầu tiên trong năm 2017
-
Đổi đất lấy hạ tầng chỉ dành cho trường hợp cấp bách
-
Năm nay có khoảng 13 - 15 cơn bão